Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và người dân, giai đoạn 2011-2015 tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

“Giai đoạn này, tai nạn giao thông ở Việt Nam được kéo giảm và thế giới ghi nhận đánh giá cao. Trong 5 năm qua, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta giảm được 12.356 người so với giai đoạn 2006-2010,” ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

img_3639_snhd.jpg
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Việc lựa chọn người trẻ là đối tượng trong công tác xây dựng văn hóa giao thông cũng chính là vận động người lớn tuổi phải gương mẫu.

Đầu năm mới, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trong năm 2017.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình tai nạn giao thông trong năm 2016?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong năm 2016, tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm số vụ, số người chết và số người bị thương).

Cụ thể, cả năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.568 vụ tai nạn giao thông, giảm 5,52% so với 2015. Số người chết vì tai nạn giao thông là 8.680 người, giảm 0,54%. Số người bị thương là 19.280 người, giảm 8,49% so với năm 2015.

Theo báo cáo, nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường. Trật tự an toàn giao thông cả nước có chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2015, ùn tắc giao thông được hạn chế; ý thức chấp hành luật giao thông được nâng cao.

- Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu chính là văn hóa giao thông còn hạn chế, dẫn đến tai nạn giao thông còn ở mức cao trong thời gian vừa qua. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

Ông Khuất Việt Hùng: Tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, con người, sức khỏe người tham gia giao thông. Khi phân tích tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất chính yếu là văn hóa giao thông còn hạn chế.

Hạn chế văn hóa giao thông thường hay chỉ giới hạn yếu tố hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng cũng phải đánh giá toàn diện sâu sắc, xem xét cả yếu tố hình thành văn hóa giao thông mà trước hết phải nói rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá là đầy đủ.

Tuy nhiên, trong hệ thống này còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, quy định chế tài chưa đủ mạnh để răn đe nhằm thay đổi hành vi; dịch vụ vận tải trong giai đoạn vừa qua có nhiều tiến bộ nhưng năng lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông trên những tuyến đường chính cao tốc, Quốc lộ được nâng cấp và đưa vào khai thác nhưng điều kiện tổ chức giao thông chưa đáp ứng yêu cầu để tạo ra môi trường thuận lợi thông suốt an toàn để người tham gia giao thông thực hiện hành vi văn hóa giao thông.

Mỗi năm TNGT cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân, khiến hàng nghìn người khác phải chịu thương tật suốt đời và gây thiệt haị nặng cho nền kinh tế đất nước.

Cá biệt, còn bộ phận người dân tham gia giao thông trong điều kiện thiếu nhận thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ hoặc thiếu hẳn kiến thức kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông an toàn; công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hay nói cách khác là bảo vệ giá trị chuẩn của văn hóa giao thông khi ban hành quy định của pháp luật xử lý xử phạt những hành vi lệch chuẩn cần phải làm tốt hơn.

Điều đó có thể khẳng định, văn hóa giao thông còn hạn chế dẫn đến tai nạn giao thông còn ở mức cao trong giai đoạn hiện nay.

- Năm 2017 Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch như thế nào và có điểm gì khác biệt so với các năm vừa qua, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong giai đoạn qua, 2011-2015 dưới sự lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị vào cuộc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, các bộ ngành chính quyền địa phương đoàn thể và sự đồng thuận người dân chung tay thực hiện đồng bộ toàn diện các giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông thì tai nạn giao thông ở Việt Nam được kéo giảm và thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Trong 5 năm qua, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta giảm được 12.356 người so với giai đoạn 2006-2010. Đây là kết quả được sự ghi nhận của người dân và đặc biệt các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và rõ ràng cách tiếp cận không đơn thuần làm đơn lẻ một giải pháp nào mà hướng đến thay đổi hành vi giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Năm 2016, bắt đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ và các cấp địa phương lấy chủ đề chung là “Xây dựng văn hóa giao thông”. Trọng tâm chủ đề của năm là xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên với tinh thần tính mạng con người là trên hết.

Tại sao lại lựa chọn đối tượng này bởi theo thống kê của Bộ Công an, đối tượng người trẻ nạn nhân tai nạn giao thông chiếm khoảng 40% và theo báo cáo Đại hội đồng Liên hợp quốc tai nạn giao thông là nguyên nhân số một dẫn đến tử vong của người trẻ (trong độ tuổi dưới 27).

Việc lựa chọn người trẻ là đối tượng trong công tác xây dựng văn hóa giao thông cũng chính là vận động người lớn tuổi phải gương mẫu. Xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên vừa là đối tượng, vừa là động lực cho công tác xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, đây chính là trọng tâm của năm tới đây.

- Vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp gì để kiểm chế tai nạn giao thông?

Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, trước tiên tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hành các Nghị quyết của Chính phủ, giám sát Quốc hội và sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền các cấp gắn trách nhiệm người đứng đầu có liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn giao thông.

Một vụ TNGT trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên mới đây khiến hàng chục người thương vong, nguyên nhân là do lái xe bất chấp nguy hiểm đi lùi trên đường cao tốc.

Cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn hóa các giá trị văn hóa giao thông; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ quản lý chặt chất lượng và chi phí hoạt động đầu tư nâng cấp bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng.

Thực hiện tái cơ cấu vận tải các phương thức nâng cao năng lực vận tải khối lượng lớn ngay trong vận tải đường bộ phải nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng; vận tải liên tỉnh, giảm thiểu sử dụng xe cá nhân trong cự ly dài trên tuyến đường sử dụng chung xe máy ôtô sẽ giảm tai nạn giao thông.

Nâng cao và hiệu lực của tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bằng ứng dụng khoa học công nghệ về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật xây dựng văn hóa giao thông; chống ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các trục giao thông chính bên cạnh nâng cao năng lực hạ tầng, quản lý điều hành, ứng dụng giao thông thông minh vào giao thông.

Đây là 7 nhóm giải pháp chính trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017 và là định hướng lâu dài cho công tác đảm bảo an toàn giao thông nước ta trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông./.