Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa yêu cầu các Công ty quản lý đường sắt lắp đặt camera để tăng cường công tác quản lý và giám sát an toàn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động.

tau5_erok.jpg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Thanh Hóa. 

Sau quá nhiều vụ tai nạn liên tiếp, ngành đường sắt như “giật mình” tỉnh giấc. Việc làm này xem như “mất bò mới lo làm chuồng”, không biết có cứu vãn được tình hình ngày càng tệ hại của ngành đường sắt.

Lắp camera giám sát dọc tuyến đường sắt

Theo đó, các Công ty Cổ phần đường sắt  các tuyến Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Sài Gòn lắp đặt camera bên trong gác chắn, hệ thống phía ngoài nhà gác chắn; hệ thống thiết bị giám sát tập trung giám sát hình ảnh camera được trang bị và lắp đặt tại công ty...

Bên cạnh đó, Tổng công ty ĐSVN yêu cầu các Công ty Cổ phần đường sắt trên làm việc với nhà cung cấp thiết bị để xây dựng hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo trì hệ thống thiết bị theo quy định, thời gian hoàn thành lắp đặt trong tháng 6/2018 và báo cáo về Tổng công ty Đường sắt.

Lỗi thuộc về... nhà tàu

Trước đó, Cục ĐSVN vừa có cuộc kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Công nhân đường sắt khắc phục sự cố tại khu gian Trường Lâm (Thanh Hóa) sau sự cố tàu SE19 đâm xe tải chở đá.

Kết quả cho thấy hàng loạt những vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định như nhân viên gác chắn, gác ghi đường sắt uống rượu, ngủ gật khi lên ban và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động.

Nhân viên gác đường ngang vi phạm quy định về kỷ luật lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm khi lên ban, vi phạm các quy định có liên quan đến công tác an toàn giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ như ngủ khi lên ban; không mặc đồng phục; thiếu, hư hỏng trang thiết bị liên quan đến tác nghiệp của đường ngang theo quy định.

Hiện trường vụ tàu hỏa đâm xe tải ở Nghệ An.

Đặc biệt, tại một số vị trí đã bố trí học sinh thực tập làm nhiệm vụ chức danh nhân viên gác đường ngang, kiểm tra có các nhân viên gác hầm, gác đường ngang, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn, ghép nối đầu máy toa xe), trực ban chạy tàu ngủ khi lên ban...

Một số đường ngang có tình trạng cho tổ chức cá nhân bên ngoài kinh doanh trong phạm vi xung quanh nhà gác đường ngang, gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang, an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực đường ngang.

Cẩu toa tàu bị lật ở Thanh Hóa.

“Sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Tổng công ty ĐSVN đối với các tổ chức, cá nhân và các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban để đảm bảo an toàn còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe,” ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục ĐSVN cho hay.

Bên cạnh đó, kiểm tra cho thấy, việc kiểm tra, giám sát của một số tổ chức quản lý đường sắt, sử dụng nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu buông lỏng, chưa thường xuyên liên tục; nội dung kiểm tra không đảm bảo tính nghiêm túc.

Liên tiếp tai nạn, phải có người chịu trách nhiệm

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông, những vụ tai nạn liên tiếp vừa qua thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, vận hành, kỷ luật lao động của ngành đường sắt.

Vụ tai nạn hai tàu hàng đâm nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam) là việc chưa từng có tiền lệ với ngành đường sắt.

Hiện trường vụ tàu đâm nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam).

“Xét cả mấy vụ tai nạn vừa rồi, nguyên nhân chính vẫn do sự yếu kém trong quản lý, vận hành của ngành đường sắt. Hạ tầng yếu kém nhưng nếu không kiểm tra thường xuyên, không giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói.

Ông Thủy cho rằng, cần quy trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông vận tải. “Người đứng đầu ngành đường sắt, thậm chí cả Bộ trưởng GTVT nếu để xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cũng phải xem xét trách nhiệm. Không thể đổ lỗi cho hạ tầng yếu kém, ý thức người dân thấp. Cần điều tra, xem xét, có thể hạ cấp bậc của người đứng đầu ngành đường sắt để làm gương cho cấp dưới”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Xuân Thủy kiến nghị, Nhà nước cần có phương án đầu tư cho ngành đường sắt. Trong khi ngân sách khó khăn, phương án hợp lý nhất là đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, làm từng đoạn, nâng cấp đường sắt hiện tại từ đường đơn thành đường đôi, khổ 1,435m để tăng năng lực vận chuyển, giảm tải cho đường bộ./.