Lấy đất để xây dựng công trình thuỷ điện ĐăkMi 4, tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chủ dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đã xây dựng 2 khu tái định cư Phước Hoà và Phước Xuân.

Khu-Tai-Dinh-cu-DakMy-4-A-x.jpg
khu tái định cư Đắk Mi 4A

Trên đường Hồ Chí Minh nhìn xuống, 25 hộ đồng bào Giẻ Triêng ở khu tái định cư Đắk Mi 4A- thôn Nước Lang, xã Phước Xuân như một khu phố nhếch nhác, nhà cửa san sát, cũ kỹ, lợn gà thả rông trên lối đi.

Mới được gần 2 năm mà nhà cửa, hạ tầng của khu tái định cư thuỷ điện Đăk My 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo thiết kế, mỗi ngôi nhà tại đây trị giá 50 triệu đồng/nhà. Các ngôi nhà được xây dựng san sát không thể chăn nuôi, trồng vườn, nước sinh hoạt thì hư hỏng. Đến nay, khu tái định cư này cũng chưa có điện sinh hoạt. Huyện Phước Sơn đã khảo sát đề nghị chủ dự án xây dựng thuỷ lợi nhỏ khai hoang hơn 4 héc ta lúa nước và kéo điện về thôn Nước Lang. Nhưng chủ dự án thuỷ điện ĐăkMy 4 cứ lần khất.

Ông Hồ Văn Đăm, khu tái định cư ĐăkMy 4A nói: “Nhà thì dột, không có việc gì để làm, không có ruộng, phải đi rất xa mới có rẫy để làm. Giờ đói nghèo, dân kêu ca”.

Nhà của ông Hồ Văn Đăm

Nằm chênh vênh bên sườn núi, Khu tái định cư Đắk Mi 4C, thuộc xã Phước Hoà, Phước Sơn trông như một khu phố xây vội với 44 nhà liền kề nhau trên thửa đất mới san ủi đỏ quạch. Gọi là "khu phố" bởi nhà nối nhà, không có sân vườn, lối đi, không có đất để trồng trọt, chăn nuôi... chật hẹp như ở phố. Giữa mênh mông rừng núi, thế mà mỗi ngôi nhà chỉ dài hơn 10 mét, chiều ngang hơn 4 mét, gồm một phòng khách và 1 phòng ngủ chỉ kê vừa 1 chiếc giường con.

Chị Hồ Thị Phường, thôn 2 xã Phước Hoà than phiền: “Nhà không có sân, con thì đông. Đáng lý có miếng sân, miếng đất xung quanh nhà để chăn nuôi trồng trọt chứ như thế này thì ở làm sao”.

Nhà cửa chật hẹp, không sân, không vườn, còn chất lượng xây dựng công trình thì còn tệ hại hơn nhà cũ của đồng bào tại nơi ở cũ. Ông Hoàng Liên Sơn, thôn 2, Phước Hoà cho biết: “Nhà của đồng bào Bh'Nông chúng tôi trước đây ở ven QL 14E xây dựng khang trang, kiên cố, giờ vào khu tái định cư với nhà xây sẵn, quy mô, chất lượng còn thua nhà bếp của tôi trước kia”. Ông Sơn cũng không đồng tình với cách áp giá đền bù của chủ dự án, vì ngôi nhà cũ xây kiên cố, vách làm bằng gỗ tốt nhưng đền bù có 48 triệu đồng. Rồi Ban quản lý dự án thuỷ điện Đắk Mi4 cho xây mới ngôi nhà tới 70 triệu đồng, chưa ở nhưng nền xi măng đã nứt toác, vôi vữa rệu rã lại không có các cửa phòng, nhà bếp, không có khung bảo vệ các cửa sổ... vì vậy ông Sơn kiên quyết không nhận nhà mới.

Ông Hồ Văn Chinh, một già làng thôn 2, xã Phước Hoà nói: “Tôi đã kiến nghị chỉ san mặt bằng rồi giao cho dân nhưng họ không chịu, cứ làm theo quy cách Nhà nước. Nhà tôi có 4 đứa con mà chật hẹp quá không có chỗ để ở”.

Cùng chung ý kiến này, bà Hồ Thị Mít khẳng định, nếu chủ đầu tư đưa tiền, dân sẽ thêm tiền để xây dựng nhà chắc chắn hơn, theo ý từng hộ. Việc xây dựng kiểu đại trà vừa xấu, vừa kém chất lượng và hoàn toàn không phù hợp với lối sống, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số.

Dạo quanh một vòng, chúng tôi thấy tất cả các ngôi nhà, dù chưa ở đã dột nát, nứt tường, hư cửa, hư bể nước, xói lở sân, không có lối đi, hệ thống thải nước sinh hoạt lộ thiên gây ô nhiễm. Vì thế tất cả 44 hộ dân ở khu Đắk Mi4C đều từ chối nhận nhà ở mới.

Bà Hồ Thị Mít nói: “Nhà nứt hết. Dân ở đây đâu có thích nhà xây. Mai đây hư hỏng rồi biết kêu ai sửa, đâu có ai biết làm thợ xây”.

Trường học chênh vênh trên sườn núi

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Phạm Thế Quyền cho biết trong số 1.500 hécta rừng bị chìm ngập lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi4, có trên 30ha ruộng lúa nước. Đây là diện tích trồng lúa nước duy nhất của địa phương vĩnh viễn mất vì rừng già còn lại không thể khai hoang để làm ruộng nước. Vì thế huyện chưa biết phải làm sao để ổn định đời sống lâu dài cho bà con.

Ông Quyền phân trần: "Thuỷ điện chưa thấy lợi ích gì mà còn thêm khó khăn cho huyện. Dân mất chỗ ở, mất tư liệu sản xuất, địa phương mất rừng, mất ruộng. Hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng. Gần 30 km QL14E đã bị các đơn vị thi công Đắk Mi4 biến thành đường công vụ, 2 trong 4 vụ tai nạn nghiêm trọng từ đầu năm đến nay làm 2 người chết cũng tại đoạn đường này. Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2009, gần 500 dân tại thôn Phước Hoà phải bàn giao mặt bằng, chuyển vào ở khu tái định cư Đắk Mi 4C. Tuy nhiên, đến nay đã quá 7 tháng mà người dân vẫn chưa chịu nhận nhà mới, còn chủ đầu tư cũng chỉ mới cam kết bổ sung, sửa chữa những khiếm khuyết sau xây dựng”.

Ông Phạm Thế Quyền kiến nghị: “Huyện đã có yêu cầu sửa chữa khung cửa, móc cửa, móng nhà, hệ thóng điện, đường… Nhưng các kiến nghị của huyện đều thực hiện chậm. Về tái định cư thuỷ điện, huyện cũng đề nghị Nhà nước cần có mức hỗ trợ chung, không nên chênh lệch giữa các thuỷ điện”.

Thực tế tại các địa phương ở huyện Phước Sơn-nơi dự án  Đăk Mi 4 đang xây dựng, rừng bị tàn phá, dân bị mất đất đất sản xuất, vì thế chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO) cần có sự điều chỉnh kịp thời để ổn định đời sống dân sinh./.