Địa lan trúng mùa, không hộ nào mất Tết

Tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, nghề trồng địa lan tại Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhiều gia đình thu nhập trăm triệu mỗi năm. Mỗi chậu địa lan có giá trên thị trường từ 500.000 đồng - 5 triệu đồng, thậm chí hơn tùy số lượng hoa nở. Những ngày cận Tết Ất Mùi, thương lái dưới xuôi lên thu mua rất nhộn nhịp. Du khách khắp nơi cũng tìm mua lan Tả Phìn đem về chơi Tết cho thỏa đam mê.

img_8934_cvxe.jpgNhững em nhỏ đem những phần quà về nhà, náo nức chờ Tết

Bác Vàng A Chảo, 70 tuổi, ở Tả Phìn cho biết nhà bác năm nay trồng gần 400 chậu lan. Dịp Tết này, trừ chi phí bỏ ra, bác thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Vợ chồng bác Vàng A Chảo sinh được 10 người con, 8 trai, 2 gái. Bác đã dựng vợ gả chồng cho cả 10 người và không phụ thuộc kinh tế vào đứa con nào cả. Ngoài trồng lan, bác còn làm ruộng, nuôi 3 con trâu, được dân làng yêu mến và học tập làm theo để phát triển kinh tế. Tết này, bác sẽ trang trí nhà cửa thật đẹp, mổ mấy con vịt, ngan để thết đãi con cháu, họ hàng.

Bác Vàng A Chảo tâm sự: “Con cái có đứa kinh tế còn yếu, chưa bằng bố, thì mình tuyên truyền và dạy cho nó trồng phong lan để cho thu nhập. Bác thường khuyên răn con cháu không được uống rượu say, không đánh nhau gây mất đoàn kết, không nghe theo cái xấu, không trộm cắp và chăm lo làm kinh tế, toàn tâm thu vén cho gia đình”.

Tết này, Tả Phìn không có hộ dân nào thiếu đói

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, anh Chang A Xà, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: “Năm nay địa lan trúng mùa nên hầu hết các hộ dân ở Tả Phìn đều có cái Tết tương đối đủ đầy. Nhà nào trồng ít thì cũng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, nhà nhiều thì 50 – 60 triệu đồng. Phương châm chỉ đạo của xã và được bà con thống nhất là ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm, lành mạnh và đầm ấm. Năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ thì tỉ lệ hộ nghèo ở Tả Phìn còn 11,67%. Những hộ nghèo, hộ gia đình chính sách ở Tả Phìn được tặng quà 300.000 đồng; các nhà hảo tâm cũng tặng quà như quần áo, dầu ăn, mì chính, mì tôm… để không có hộ nào mất Tết”.

Chơi Tết ở Tả Phìn

Nếu như thị trấn Sa Pa quyến rũ du khách với nhà thờ cổ trầm mặc, những khu phố “toàn Tây” đông đúc, nhộn nhịp bán mua, những Thác Bạc, Cầu Mây, của chợ tình với đa số thanh niên mặc quần tây, dùng điện thoại xịn… thì Tả Phìn níu chân người bởi vẻ mộc mạc, chất phác của người Mông, Dao đỏ; của Tu viện cổ, tuy đổ nát, hoang phế do chiến tranh nhưng vẫn sừng sững giữa rừng, lưu giữ những nét kiến trúc và giá trị văn hóa độc đáo. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới miếu thờ người có công khai khẩn lập nên Tả Phìn ngày nay. Nơi đây, vào mùa Xuân, người dân Tả Phìn lại tổ chức các nghi thức lễ hội để tưởng nhớ người xưa.

Tả Phìn ngày Tết còn hấp dẫn khách thập phương bằng “Tết Nhảy” của dân tộc Dao đỏ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 28 Tết, đồng bào đã mổ lợn, gà, làm bánh nếp… rồi anh em họ hàng cùng nhau quây quần tại nhà trưởng họ, nâng chén rượu mừng Xuân, cầu chúc cho nhau một năm mới an lành, hạnh phúc, cũng như chuẩn bị cho việc tổ chức nghi lễ “Tết Nhảy”. “Tết Nhảy” được người Dao đỏ chuẩn bị kỹ lưỡng, luyện tập nhuần nhuyễn các điệu nhảy múa như múa cò “pẹ họ”, điệu nhảy mời thần linh ăn Tết hay những bài hát ca ngợi tổ tiên, tái hiện các sinh hoạt dệt vải, săn bắn… Đây là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày đất trời “giao ban” trên núi cao Tả Phìn. 

Du khách dừng lại chụp ảnh bên đào rừng khoe sắc giữa mưa Xuân

Cùng với người Mông, người Dao đỏ ở Tả Phìn đã biết làm du lịch “homestay” cùng với “đặc sản” là nghề dệt thổ cẩm và đặc biệt là tắm thảo dược. Người Dao đỏ được tổ tiên truyền lại cho nhiều bài thuốc quý chữa bệnh mà không ở đâu có được, nói như bà con thì “nó làm khỏe người lắm à”. Bài thuốc ngâm chân được kết tinh từ hàng chục loại thảo dược có tác dụng chữa trị bệnh nhức mỏi xương cốt, thấp khớp.

Bài thuốc tắm giúp cơ thể thư giãn, thoải mái, làm tan biến mọi mệt mỏi khiến du khách không khỏi xuýt xoa và mong muốn được quay trở lại thưởng thức thêm nhiều lần nữa. Dịch vụ độc đáo này đã giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, danh tiếng của Tả Phìn cũng theo đó lan tỏa muôn phương.  

Phóng viên về thăm nhà anh Giàng A Của, Trưởng thôn Giang Tra – xã Tả Phìn. Trên gác bếp nhà anh treo lủng lẳng những thớ thịt lợn, gọi là thịt hun khói. Lợn “cắp nách” ở Tả Phìn chủ yếu “tự túc” thức ăn nên thịt thơm ngon, săn chắc. Theo anh Giàng A Của, thịt lợn gác bếp chính là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của bà con. Gia vị tẩm ướp cùng với vị khói bếp củi hun lâu ngày khiến miếng thịt trở nên đậm đà. Ngày Tết cổ truyền, người dân tộc ở đây thường mời nhau đi uống rượu lần lượt từng nhà, khi nào đến hết nhà cuối cùng trong bản mới… hết Tết, do đó tửu lượng của bà con cũng rất đáng nể. Song theo anh Của, ngày Tết uống để vui, để chúc nhau những điều tốt đẹp chứ không dùng rượu để “diệt” nhau.

Đi dọc các thôn của Tả Phìn, dễ dàng nhận thấy thấp thoáng bên những ngôi nhà của đồng bào bên sườn núi, những cây đào rừng đã nở bung khoe sắc giữa màn sương sớm, từng dòng xe náo nức chở lan về xuôi. Nhiều đoàn khách dừng lại tranh thủ chụp ảnh đào khoe sắc giữa màn mưa bụi, khiến con đường vào bản trở nên nhộn nhịp. Giữa màn sương giăng mờ mịt trên đỉnh núi cao, Xuân đã gõ cửa từng nhà./.