TPHCM mới xuất hiện rải rác những cơn mưa đầu mùa nhưng số ca nhập viện do bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh chóng. Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ tử vong cao ở các bệnh nhân có cơ địa béo phì. 

Tại khoa Nhiễm D, nơi tập trung điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hiện đang có hơn 70 ca bệnh, trong đó có 60 ca điều trị nội trú sốt xuất huyết. Do chỉ có 50 giường bệnh, khoa phải kê thêm 30 giường bệnh ở hành lang để tiếp nhận các ca sốt xuất huyết.

Chị Nguyễn Thị Phụng, ngụ Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có con trai bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại khoa Nhiễm D nói: "Con tôi nhập viện trên Bình Dương 3 ngày, sau đó thấy tình hình hơi xấu nên tôi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được 5 ngày. Lúc đầu chỉ sốt thôi, nằm vật vã. Sau đó đến ngày thứ 4 thì hết sốt nhưng lại chảy máu cam, chảy cả máu chân răng và ói. Sau đó thứ 6 nó trổ ra".

sxh_nd1_1000_lmed_tqeu.jpg
Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết: Trong tháng 5 trung bình khoa tiếp nhận điều trị từ 20- 25 ca sốt xuất huyết. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, các ca sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu gia tăng nhanh, mỗi ngày có khoảng 50 đến 70 ca bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại khoa tháng 6 năm nay đã tăng gấp 3 lần. Nếu tính cả khoa khác, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị cho hơn 140 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo nhận định của bác sĩ Phong, mức độ gia tăng các ca bệnh nhập viện chứng tỏ năm nay dịch bệnh đến sớm hơn 1 tháng. Đặc biệt là tuần vừa qua đã có 2 ca tử vong từ địa phương khác được chuyển đến trong tình trạng nặng, trong đó 1 người lớn và 1 trẻ em. Hai trường hợp này đều có cơ địa đặc biệt và mang bệnh nền.

Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết: Hầu hết người bệnh sốt xuất huyết không biết mình bị muỗi đốt vào lúc nào. Vì vậy rất nhiều trường hợp chủ quan, có khi người bệnh đến khám vì các triệu chứng mệt mỏi, sốt cao nhưng bác sĩ chưa nghĩ đến sốt xuất huyết.

Thông thường, các bệnh truyền nhiễm khác là hạ sốt thì người bệnh khỏe hơn, có dấu hiệu nhẹ bệnh nhưng đối với sốt xuất huyết thì khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó mà nhiều rất nhiều người chủ quan không đi khám, cũng có khi bác sĩ không phát hiện ra để tình trạng bệnh nặng hơn, điều trị gặp khó khăn hơn.

Bác sĩ Phong cảnh báo, đối với những người có cơ địa đặc biệt hay mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh dễ diễn tiến nặng. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non. 

Đặc biệt, có đến hơn nửa số ca tử vong do mắc sốt xuất huyết là trẻ bị béo phì. Vì vậy khoa Nhiễm D đang phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam nghiên cứu về sốt xuất huyết trên bệnh nhân béo phì.

Những ca sốt xuất huyết mà người béo phì tỉ lệ tử vong rất cao. Thống kê năm năm 2018 tại bệnh viện có gần 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nhưng có đến hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì. Vì thế mà giờ phải chú trọng nhiều hơn đến các bệnh nhân bị sốt xuất huyết béo phì. Mà cộng đồng chúng ta giờ nhiều trẻ em bị béo phì.

Theo các bác sĩ, trẻ béo phì bị bệnh sốt xuất huyết thì việc điều trị sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn. Tỉ lệ sốc do sốt xuất huyết ở trẻ có cân nặng bình thường là khoảng 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%. Vì vậy mà để phòng ngừa sốt xuất huyết người dân cần tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngừa muỗi đốt cho bản thân và gia đình.

Ở những ngày đầu khởi phát bệnh, các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết Dengue rất khó phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây sốt ở trẻ như tay chân miệng, sốt phát ban, cảm... Do đó, khi thấy trẻ sốt cao từ hai ngày trở đi, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện sớm. Về chế độ dinh dưỡng, cần phải chú trọng để trẻ không bị dư cân, béo phì./.