Theo truyền thống hàng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch là đến lễ cúng trăng, trong đó, cốm dẹp là vật phẩm chính và không thể thiếu của lễ. Vì vậy, những ngày cận lễ các hộ, cơ sở  làm cốm dẹp càng thêm tất bật để kịp phục vụ bà con phum sóc.

Cảm nhận đầu tiên khi đến làng nghề cốm dẹp ấp Phước Quới, xã Phú Tân là sự hối hả của các hộ dân với công việc, tất bật thay phiên nhau làm ra những mẻ cốm dẹp mới, thơm ngon để phục vụ khách hàng trong những ngày diễn ra lễ hội Đua ghe Ngo – Óc Om Bóc. Tiếng chày giã từ nhẹ đến mạnh, tiếng tí tách rang hạt lúa nếp pha lẫn với những tiếng nói, tiếng cười của bà con vang lên càng tạo không khí làm cốm dẹp thêm phần nhộn nhịp.

a1_pcmi.jpg
Bà con ấp Phước Quới làm cốm dẹp đón Lễ hội đua ghe Ngo.

Ông Công, một chủ cơ sở chuyên làm cốm dẹp tại ấp Phước Quới, xã Phú Tân cho biết, khoảng 1 tháng nay, chừng 2h sáng là hơn 30 người của khoảng 10 gia đình trong phum sóc lại đến bắt đầu rang nếp và giã cốm tại cơ sở: “Giã cốm dẹp là phong tục tập quán truyền thống của bà con Khmer, tới mùa đua ghe Ngo là giã cốm dẹp. Cơ sở của tôi làm quanh năm. Riêng làm cốm dẹp phục vụ bà con trong dịp lễ hội đua ghe Ngo – Óc Om bóc thì bắt từ trước lễ Đôn – ta. Trong một ngày, chúng tôi làm ra khoảng 1 tấn cốm dẹp. Người mua tới từ khắp các tỉnh, họ hài lòng với sản phẩm cốm dẹp mà cơ sở làm ra”.

Cũng gắn với nghề làm cốm dẹp qua nhiều thế hệ, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ với chỉ có 1 cối giã cốm, song gia đình của chị Liêu Thị Mỹ Vân cũng ngụ tại ấp Phước Quới cũng tất bật không kém trong những ngày cận lễ hội Đua ghe Ngo - Óc Om Bóc.

Chị Vân chia sẻ, 2 vợ chồng thì phụ trách cầm chày giã cốm, còn con trai thì rang nếp, mỗi ngày cũng giã được từ 50 - 60 kg cốm dẹp bán cho bà con .

Quết cốm dẹp là nghề rất vất vả, tốn nhiều công sức, nhiều công đoạn mới cho ra sản phấm cốm dẹp ngon. Theo bà con, muốn cốm dẹp ngon thì phải chọn nguyên liệu lúa nếp tốt. Sau đó, đem ngâm hoặc rửa cho sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Khâu rang và giã cốm cũng đặc biệt quan trọng phải thực hiện đúng cách thì mới đảm bảo cốm dẹp vừa chín, thơm, ngon.

Chị Sơn Thị Hiên, người đã nhiều năm gắn bó với nghề làm cốm dẹp nói: “Đầu tiên mình giã nhẹ tay, sau đó thì mạnh tay dần. Khi thấy cốm gần trắng thì giã mạnh tay khoảng chừng 10 chày nữa là cốm sẽ trắng đều”.

Làm cốm dẹp là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Khmer, không ai biết rõ nghề này bắt đầu từ năm nào. Theo những cụ cao niên, từ khi còn nhỏ đã thấy xuất hiện nghề này. Hiện nay, ở tỉnh Sóc Trăng chỉ còn duy nhất một ấp Phước Quới của xã Phú Tân, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống là còn duy trì được nghề quết cốm dẹp với khoảng 40 hộ. Từ một địa phương sản xuất cốm dẹp theo hộ gia đình nhỏ lẻ, nay Phước Quới đã tổ chức sản xuất theo mô hình cơ sở.

Dù các cơ sở hiện chưa có tên cụ thể những cũng đã tạo ra một trong những đặc sản nét đặc trưng của riêng bà con dân tộc Khmer phục vụ bà con không chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng mà còn giới thiệu đến bà con các tỉnh trong  khu vực. Đồng thời cũng giữ gìn làng nghề truyền thống, đón lễ hội Óc Om Bóc – Đua ghe Ngo và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương./.