Đầu giờ chiều nay, ngay sau khi xuống sân bay Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 9, đặt tại Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung, TP Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua ở miền Trung. Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc này bão đang mạnh nhất. Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu của bão sẽ ảnh hưởng từ TP. Đà Nẵng đến phía bắc tỉnh Bình Định.

Ngay sau khi vào bờ, bão số 9 không suy yếu mà đến Bắc Tây Nguyên vẫn còn gió mạnh cấp 8, cấp 9. Trong đợt bão này, lượng mưa sẽ đạt 200-300mm. Bão gây sóng lớn, các vùng trũng thấp ven sông sẽ ngập sâu bởi triều cường. Đây là cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, tương đương với bão Xangsane 2006 vào Đà Nẵng và mạnh hơn bão Damrey vào Nha Trang, Khánh Hòa năm 2017.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sáng mai (28/10), bão sẽ vào từ Quảng Nam đến Bình Định. Hiện, còn 142 tàu của Bình Định đang thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, còn lại đều đã vào nơi an toàn. TP. Đà Nẵng cho 144 tàu vận tải vào các cảng và vịnh. Quảng Nam có 1 tàu, Bình Định có 78 tàu biển, hiện, đang vào Vũng Rô và Vân Phong để tránh bão.

Về công tác sơ tán dân, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch sơ tán 19.000 hộ; TP. Đà Nẵng sơ tán 35.000 dân; Tỉnh Quảng Nam sơ tán 42.000 dân; Quảng Ngãi sơ tán 94.000 dân; Bình Định sơ tán 96.000 dân; Phú Yên sơ tán 27.000 dân. Các tỉnh, thành phố đều sơ tán trước 18h chiều nay.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có kế hoạch sơ tán cụ thể từng khu dân cư, di dời cẩu xây dựng vận thang các công trình trước 17h chiều nay.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đã dự trữ lương thực tại các xã bị chia cắt. Các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã vận hành đưa mực nước về mực thấp nhất đón lũ, có thể hứng 200 triệu m3 nước. Nếu mưa 200-300mm thì đảm bảo cắt lũ an toàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơn bão này đi cực nhanh, không có không khí lạnh, khô nên không giảm cấp. Vì vùng ảnh hưởng của bão rất lớn nên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên cần hết sức cảnh giác. Các địa phương khẩn trương rà soát lại tàu thuyền đã vào bờ, sơ tán toàn bộ người dân trên vùng lồng bè, tàu vận tải vãng lai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, các địa phương đã chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống bão. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng, các địa phương, đơn vị và người dân khẩn trương, không được chủ quan, lơ là.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: “Tiếp tục rà soát tàu thuyền khu vực nguy hiểm đưa về nơi tránh trú. Yêu cầu chằng néo để các tàu thuyền không va đập. Cùng với đó, sơ tán dân ra khỏi khu vực cơ sở sản xuất dịch vụ trên biển, ven biển, trên đảo, không để bà con ở trên lồng bè, chòi canh. Đề nghị tập trung đảm an toàn trên đất liền khi bão vào, sơ tán dân là ưu tiên số 1, sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, những công trình nhà ở không an toàn phải đưa vào hết. Chằng chống nhà cửa công trình, kho tàng, công sở trường học, các công trình đang xây dựng”./.