Sáng 24/3, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 19 tỉnh, thành phố trong cả 3 khu vực.

nong-thon-moi.jpg
Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ máy chỉ đạo, điều hành của các cấp đã được thành lập đầy đủ, nhiều cơ chế chính sách mới của Trung ương và các địa phương đã được ban hành và triển khai tích cực, các hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân.

Từ đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hoạt động, sản xuất có hiệu quả phù hợp với từng vùng miền, diện mạo của khu vực nông thôn đã có sự khởi sắc, số tiêu chí nông thôn mới đạt được tăng lên hàng năm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đến cuối năm 2013, bình quân các xã ở khu vực Đông Nam bộ đạt 9,72 tiêu chí, khu vực Nam Trung bộ đạt 7,75 tiêu chí và khu vực Tây nguyên đạt 7,3 tiêu chí nông thôn mới; cả 3 khu vực đã xóa được xã trắng về đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để đánh giá những kết quả, kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích rõ những bất cập và đề xuất các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Tôi đề nghị trong quá trình thảo luận, cần tập trung vào những vấn đề chính như, phương thức lãnh đạo của Đảng, của các cấp ủy, chính quyền địa phương gắn với cuộc vận động người dân cùng chung sức để xây dựng nông thôn mới; Những phương thức về chuyển đổi sản xuất, mô hình sản xuất mới; Những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa bàn của mình. Bài học rút ra là gì, cách làm sáng tạo, mô hình làm hay là ở chỗ nào, cơ chế chính sách, quá trình vận động như thế có gì chưa phù hợp, chưa đi vào cuộc sống cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và các giải pháp trong tổ chức triển khai thực hiện vấn đề này”./.