Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30 km về phía Đông Bắc, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Hiện nay hệ thống giao thông và chỉ dẫn vào khu di tích đã được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm đến tham quan. |
Sở chỉ huy do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiêm Tư lệnh chiến dịch lựa chọn đặt tại một khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn. Đây là vùng núi có địa hình hiểm trở, dễ ẩn náu đảm bảo an toàn và tuyệt đối bí mật cho các hoạt động của chiến dịch. |
Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng được xây dựng dọc theo một con suối nhỏ chảy quanh dưới chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên rộng và được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch vừa đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. |
Trạm gác tiền tiêu nằm ở sườn núi bên phải trên con đường nhỏ dẫn vào sở chỉ huy do trung đội 1, đại đội cảnh vệ 425, trung đoàn 144 chốt giữ. Nhiệm vụ của trạm là quan sát nắm tình hình, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối cho sở chỉ huy trong mọi tình huống... |
… qua khỏi trạm gác không xa là lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin liên lạc. Ở đây có các bộ phận thông tin hữu tuyến, vô tuyến, cơ yếu ... do Cục trưởng Cục Thông tin Hoàng Đạo Thuý trực tiếp chỉ đạo. |
Hầm tổng đài điện thoại giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch liên lạc với các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ ở phía trước và các đơn vị kho, trạm của Tổng cục cung cấp, hệ thống quân y, dân công hoả tuyến ở phía sau mặt trận. |
Bàn làm việc trong hầm tổng đài điện thoại. |
Phía ngoài có lán nghỉ của cán bộ chiến sỹ, nhỏ đơn sơ và được dựng từ những vật liệu sẵn có ngay tại khu rừng này. |
Lán làm việc của Cục trưởng Cục Thông tin Hoàng Đạo Thuý… |
Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 18m2 được làm bằng vật liệu khai thác tại chỗ. Bên ngoài liếp nứa được che thêm những tấm cỏ gianh để tránh gió lùa và che bớt ánh sáng về ban đêm. |
Lán có 2 gian: Gian ngoài là phòng làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng. Trước đây trên vách có hai tấm bản đồ tình hình chiến trường Đông Dương thu đông 1953 - 1954 và một bản đồ theo dõi vận chuyển hậu cần của ta. |
Nổi bật tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là đường hầm xuyên sơn thông giữa hai lán làm việc của đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, cao 1,7m, rộng từ 1-3m. Giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2 và 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc. Trong ảnh là các vị trí đặt máy thông tin liên lạc. |
Đầu hầm dẫn ra lán làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. |
Hội trường diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ chỉ huy triệu tập… |
… đồng thời cũng là nơi làm việc của Trực ban tác chiến và liên lạc kiêm công vụ. Gian này có 2 giường tre, 1 bàn và 1 máy điện thoại được che kín bởi 2 tấm dù, ngày kéo lên, tối thả xuống để che không cho ánh sáng lọt ra ngoài. Trên vách ngăn có các loại bản đồ, sơ đồ, bên dưới là một tủ tài liệu bằng kẽm. |
Bếp hoàng cầm là sáng tạo rất phù hợp với bộ đội thời chiến, kín lửa, khói không bốc cao, anh nuôi nấu ăn cả ngày, cả tối, không sợ máy bay địch phát hiện. |
Từ sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên đã trở thành cụm di tích lịch sử hút khách của tỉnh Điện Biên. Vào các dịp cao điểm có cả nghìn lượt du khách tới thăm Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Những món “quà rừng” được người dân bản địa bày bán cho du khách đến với Mường Phăng. |
63 năm sau chiến thắng, cuộc sống của người dân Mường Phăng đã có nhiều đổi thay. Những nếp nhà sàn ngói đỏ tươi mọc lên bên cạnh những diện tích ruộng nương trù phú. |
Xác định du lịch lịch sử là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh nên hệ thống giao thông vào Sở chỉ huy Chiến dịch đã được đầu tư nâng cấp tạo thuận lợi trong việc đi lại cho du khách. |
Bãi họp các quân binh chủng, tuyên bố chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện khí phách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. |