Mong muốn có 1 nơi thực tập
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Cẩm Tú (Bắc Ninh) phải về quê để tiếp tục việc học, thực tập và tìm việc làm.Việc thực tập, hướng dẫn đến báo cáo thực tập hay việc sửa luận văn đều làm online, không phải đến trường. Tú liên hệ được với nơi thực tập nhưng vì tình hình dịch bệnh nên công ty cũng không yêu cầu phải lên thực tập quá nhiều.
Tú chia sẻ: “Em có ít cơ hội để giao tiếp, làm quen mọi người và khó có thể thể biết được hết những việc cơ bản trong doanh nghiệp như thế nào”.
Giờ đây, Tú chỉ mong dịch bệnh sẽ được kiểm soát để có thể trở lại Hà Nội tìm một công việc phù hợp với năng lực của bản thân.
Cũng từ đợt dịch gần nhất đến nay, Mạnh Cường - sinh viên Đại học Xây dựng, học online đã gần 1 năm. Năm nay, theo lịch trường, Cường sẽ thực tập tại công trường nhưng do dịch bệnh căng thẳng nên phải thực tập online. Học chuyên ngành kỹ thuật nên phải ra công trường để thực hành mới có thể hiểu rõ hơn về công việc, cách thức vận hành.
Cường nói: “Hiện tại, thực tập online em chỉ được nghe giảng qua màn hình chứ không được thực hành trực tiếp nên rất khó hiểu. Vì thế, khi báo cáo thực tập cũng rất khó để viết vì không được thực hành”.
Lo lắng vì nghề nghiệp tương lai
Trước khi dịch bùng phát, Hà My - sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã đi thực tập tại một khách sạn Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi dịch bùng lên, khách sạn hầu như không có khách. Vì vậy, thời gian đi thực tập bị rút ngắn và My rất ít cơ hội để học hỏi, trau dồi kiến thức.
Từ năm 2020, My đã hoàn thành việc học ở trường, nhưng đến nay việc tốt nghiệp vẫn bị trì hoãn do dịch Covid-19. Chính vì vậy, My rất khó xin được một công việc ổn định do chưa có bằng và dịch diễn biến bất thường nên khách sạn cũng không có chính sách tuyển người.
Trong thời gian này, “Em cũng đi kiếm việc làm thêm để tự lo cho bản thân vì điều kiện tài chính của bố mẹ khó khăn, không dư dả gì”, My chia sẻ.
Dù hiện tại, My vẫn đi làm thêm, nhưng công việc không ổn định, mức thu nhập bấp bênh. My đã nghỉ việc vài nơi để tìm thêm việc làm mới, phù hợp với bản thân.
Khác với My, thực tập ở một nhà hàng trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) Hạnh Nhung đã có kinh nghiệm và cơ hội trau dồi kỹ năng. Nhung chia sẻ: “Khi thực tập, mới đầu em thấy ngợp vì gặp khá nhiều tình huống khó xử lý. Rồi dần dần, sau khi va chạm nhiều, em đã biết cách giải quyết”.
Nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng đến ngành dịch vụ nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn phải tạm ngừng kinh doanh. Vì thế, dù có tấm bằng tốt nghiệp nhưng Nhung vẫn chưa thể tìm được công việc đúng ngành học.
Dù Nhung đang làm nhân viên tạm thời của một công ty, chưa được ổn định nhưng cũng giúp cô kiếm thêm thu nhập.
Thực tế cho thấy, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, các ca nhiễm tăng nhanh và chưa có dấu hiệu lắng xuống nên nhiều công ty, doanh nghiệp “ngại” tuyển sinh viên và “ngại” dành thời gian quá nhiều cho việc đào tạo. Vì thế để đáp ứng công việc trong tình hình mới, phần lớn các công ty sẽ tìm người có kinh nghiệm.
Theo chị Quỳnh Trang, nhân viên pháp chế kiêm hành chính - Công ty Cổ phần Công nghệ Perfin, công ty làm về mảng công nghệ số và đang triển khai phần mềm đặt lịch khám online nên yêu cầu tuyển người có trình độ nhất định.
“Rất khó tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là các sinh viên, để có thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động của công ty trong thời điểm dịch bệnh này”, chị Trang cho hay.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học tập và tìm việc làm. Vì thế, mong muốn chung của đại đa số các bạn trẻ là đại dịch Covid-19 nhanh chóng được khống chế để trở lại hoạt động học tập như trước đây./.