Sáng 8/1 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai năm 2015 và 5 năm 2011-2015; triển khai kế hoạch công tác năm 2016, định hướng 2016 -2020. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới dự và chủ trì hội nghị.

Năm 2015, thiên tai làm 154 người chết, 127 người bị thương, 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; hơn 35. 200 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; hơn 445.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Ước tổng thiệt hại trên 8.100 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương với tổng kinh phí gần 1.570 tỷ đồng.

thien_tai_2_cgpj.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị

Cũng trong năm 2015, thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng, tuy nhiên cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục. Nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài kỷ lục - cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ; mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh kéo dài trong 10 ngày với tổng lượng mưa đạt hơn 1.500mm tại Cửa Ông (lớn nhất trong 50 năm trở lại đây).

Riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, đặc biệt năm 2013, có 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, bao gồm cả siêu bão Haiyan; hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt nghiêm trọng đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài từ cuối năm 2014; mưa lớn cực đoan với cường suất hàng trăm mm/giờ. 

Mưa lũ trái mùa, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, lốc, sét xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm 226 người chết và mất tích, giảm 53%; Thiệt hại về vật chất là 660 triệu đô la/năm, giảm 32% (so với giai đoạn 2006 – 2010).

Về định hướng trong công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo phòng Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2016 và định hướng đến năm 2020 sẽ tập trung tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai của các Bộ, ngành và địa phương.

“Chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai; Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của các cấp, trong đó tập trung nâng cao năng lực cấp xã gắn với việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới “Đảm bảo các điều kiện chủ động phòng, chống thiên tai”; Tăng cường công tác truyền thông trong phòng chống thiên tai; Tiếp tục huy động các nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án, đề án phòng chống thiên tai. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo, ứng phó với thiên tai” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, trước xu hướng thiên tai ngày càng khó lường và khó dự báo vì vậy công tác phòng chống thiên tai phải luôn hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. 

Tập trung nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt phải đánh giá, phân tích các nguyên nhân để xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, đồng thời huy động mọi nguồn lực trong ứng phó thiên tai./.