Sau trận lũ quét lịch sử, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã có 10 người chết, 5 người mất tích và 13 người bị thương; nhiều công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm bị cuốn trôi, hư hỏng, không thể khôi phục được. Thiệt hại về vật chất lên tới 685 tỷ đồng.

Tỉnh Sơn La đã kiểm tra, khảo sát để tiến hành quy hoạch khẩn cấp khu tái định cư cho người dân vùng lũ. Theo đó đề xuất di chuyển khẩn cấp 8 bản thuộc xã Nặm Păm và 4 tiểu khu thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La đến khu vực mới.

Quỹ đất tại chỗ không đủ điều kiện để sắp xếp dân cư, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không thể cải tạo được là những yếu tố mà tỉnh Sơn La cho rằng cần phải tái định cư khẩn cấp cho những khu dân cư bị ảnh hưởng do lũ quét dọc suối Nặm Păm đến nơi ở mới.

vov_viec_tai_dinh_cu_phai_dam_bao_an_toan_oaof.jpg
Việc tái định cư phải đảm bảo an toàn.
Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cho biết: "Cả sản xuất, dân cư, hạ tầng làm sao cho đồng bộ, tránh rủi ro do thiên tai. Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, chúng tôi bắt buộc phải nghiên cứu, phải chọn ra được phương án bố trí, sắp xếp lại dân cư cho phù hợp".

Nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ lũ ống, lũ quét, các chuyên gia của các Bộ ngành trung ương khi kiểm tra tại vùng lũ Mường La cho rằng, tỉnh Sơn La cần nghiên cứu kỹ bản đồ cảnh báo khi quy hoạch khu tái định cư mới cho người dân.

Thực tế tại những vị trí có khối trượt dài, với độ dốc lớn tại đầu nguồn con suối Nặm Păm thì không thể tiếp tục quy hoạch người dân sinh sống ở dưới chân khối trượt. Điều quan trọng là phải có giải pháp tổng thể về khu tái định cư mới, phải đảm bảo địa chất, thủy văn và khu vực đó không có dòng sông, suối bị chặn dòng, đảm bảo không để tiếp tục xảy ra những trận lũ ống, lũ quét. Đồng thời tại khu tái định cư mới này, việc xây dựng hệ thống giao thông, điện, thủy lợi… phải được nghiên cứu thật kỹ, đáp ứng với địa hình của sự thay đổi dòng chảy con suối sau cơn lũ này tạo ra.

Cùng với việc quy hoạch đồng bộ khu tái định cư cho bà con vùng lũ, thời gian tới để ứng phó hiệu quả với thiên tai, Sơn La cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu kinh tế, trong đó rừng là kinh tế mũi  nhọn và người dân là chủ thể.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói rõ rằng: Với biến đổi khí hậu, với địa hình, với tình hình như thế này, từ câu chuyện này phải nhìn xa hơn về tái cơ cấu kinh tế của Sơn La, chứ không phải là tái cơ cấu trồng ngô, trồng lúa cụ thể của thôn này, bản này nữa. Bởi vì Sơn La phải là rừng, rừng là kinh tế mũi nhọn, bền vững lâu dài sau này, là trụ cột. Tất nhiên là phải làm cho người dân sống được về rừng".

Nhiều diện tích đất sản xuất không thể khôi phục.
Tại vùng lũ Mường La hiện nay, nhiều bản chỉ còn là bãi đá tảng ngổn ngang, các công trình cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm bị hư hỏng nặng. Đặc biệt đa số diện tích đất sản xuất đã bị san phẳng. Trước thực tế này, huyện đã đề xuất di chuyển khẩn cấp 8 bản thuộc xã Nặm Păm và 4 tiểu khu, thị trấn Ít Ong đến khu vực mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp do địa phương vừa mới thực hiện tái định cư công trình thủy điện Sơn La. Bên cạnh đó, những khu vực khác có thể bố trí dân thì địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.

Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay chúng tôi phải quy hoạch, xác định điểm di chuyển là phải làm gấp rút để xem điểm nào mà nhân dân đến đó phải ở được, phải sản xuất được để ổn định đời sống lâu dài. Thứ hai ở điểm đó phải xác định là không nằm trong vùng tụ thủy lớn, đặc biệt là trên bản đồ không còn nguy cơ lũ lụt cao thì chúng tôi mới di chuyển được. Và quỹ đất hiện nay còn khá là ít".

Việc di dời dân vùng chịu thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra ở Mường La hiện nay là điều cấp thiết, song không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Bởi lẽ khu tái định cư mới phải đảm bảo an toàn, đảm bảo địa chất, thủy văn, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, sinh kế lâu dài cho bà con./.