Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Quyết định số 27 với tổng kinh phí 221 tỷ đồng. Nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình (386 tỷ đồng).
Điểm nổi bật trong các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn của Chương trình là đã đề xuất nhiều giải pháp có tính liên ngành, các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; các giải pháp KHXH và KHCN từ quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống văn hóa, đến lồng ghép ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy thực hiện các tiêu chí NTM.
Qua đó đã giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi, giúp các địa phương, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả KT-XH rõ rệt.
Xây dựng nông thôn mới, cú hích để nông nghiệp phát triển. (Ảnh minh họa: KT) |
Bà Trần Kim Liên, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho biết: “Thực hiện cơ giới hóa và các giải pháp canh tác bền vững để sản xuất ra các sản phẩm an toàn, nâng cao năng suất lao động, góp phần chuyển dịch sự phân công lao động xã hội thay đổi tư duy sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, phục vụ cho chương trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp sản phẩm thu hoạch cũng được bao tiêu và xây dựng thương hiệu.”
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, chương trình còn gặp một số hạn chế như, thủ tục hành chính trong tuyển chọn, phê duyệt đề tài, dự án kéo dài và kinh phí hạn hẹp. Đến hết năm 2015 còn 49 đề tài, dự án phải triển khai thực hiện trong 2 năm chuyển tiếp 2016 - 2017. Một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng NTM. Một số kết quả nghiên cứu chất lượng chưa cao hoặc chậm được chuyển giao để sử dụng, tác động và hiệu quả đối với thực tế chưa cao.
Để rút kinh nghiệm và triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần sớm hoàn thành xây dựng các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình: “Tới đây nền nông nghiệp nước ta sẽ cán mốc 40 tỷ USD xuất khẩu, những năm tới, nông nghiệp Việt Nam và trên thế giới phải xây dựng nông thôn mới như thế nào để đạt trên 50% số xã đạt nông thôn mới sau năm 2020. Những vấn đề đó cần tập trung kể cả về mặt lý luận và tham mưu cơ chế chính sách để rút kinh nghiệp tổ chức thực hiện trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.”
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Viện nghiên cứu cần tập trung nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học trong xây dựng thể chế, chính sách thực hiện các vấn đề cụ thể như xử lý rác thải, nước sạch cho vùng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hoá bản sắc các vùng miền, xây dựng NTM gắn với đô thị hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn.
Bởi xây dựng NTM là chương trình nghiên cứu và ứng dụng, tổng hợp liên ngành, vì thế phải xuất phát từ đặc điểm thực tiễn và nhu cầu thực tiễn trong đời sống kinh tế xã hội, nếu ngồi trong phòng máy lạnh để nghiên cứu thì khó mà thành công được: “Nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau nông thôn mới chúng ta phải có nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức thí điểm tại 5 huyện và trên một số xã, phải chăng đây là đề tài chúng ta cần tập trung nghiên cứu đích đến cuối cùng là xã nông thôn mới.”
Nhiều chuyên gia và các nhà khoa học cũng cho rằng, thời gian tới vệc đầu tư khoa học công nghệ vào nông thôn mới cần tập trung vào những đề tài nông nghiệp và phi nông nghiệp, ưu tiên giải quyết những vấn đề lớn bằng các công trình nghiên cứu cả về cơ sở lý luận, thực tiễn, giải pháp khoa học công nghệ và triển khai các mô hình ứng dụng. Cùng với đó, áp dụng cơ chế xét chọn, giao trực tiếp trong những trường hợp cần thiết để kịp thời đáp ứng yêu cầu đặc thù của xây dựng nông thôn mới.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Cần quan tâm hơn đến xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn vì vậy, bên cạnh các đề tài về cơ chế chính sách, các mô hình kỹ thuật cũng cần nghiên cứu nhiều hơn các vấn đề xã hội nông thôn xây dựng nông thôn mới.”
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn không chỉ mang lại nhiều giá trị thiết thực về kinh tế, mà còn làm tốt công tác bổ trợ kiến thức thông qua việc tập huấn, hướng dẫn thực hành các đề tài, dự án KHCN, giúp người dân có điều kiện để áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất và đời sống. Chính vì vậy, để KHCN tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò trong công cuộc xây dựng NTM, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển giao kịp thời các tiến bộ KHKT mới vào thực tế đời sống, sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng kiểm tra mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh