Thời điểm này, sách giáo khoa in lậu “rộ” lên khắp nơi, được bày bán công khai và được tiêu thụ với số lượng lớn trên cả nước. Sách lậu được sao chụp từ sách thật với công nghệ cao, có đầy đủ thông tin xuất bản, được dán tem nhái chống giả y như thật, rất khó phân biệt bằng mắt thường. 

Tuy nhiên, sách in lậu vẫn có nhiều sai sót, chất lượng giấy in không đạt chuẩn, nhất là các hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, chữ bị đứt nét hoặc mất dấu. Nguy hiểm hơn là những cuốn sách in lậu không đảm bảo về nội dung, có thể có những lỗi, sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. 

sach-giao-khoa-lau_tkho.jpg 

 Rất khó phân biệt giữa sách thật và sách in lậu

Phương thức phát hành sách in lậu hiện nay là các nhà sách, đơn vị kinh doanh mua số lượng nhỏ sách thật của các đơn vị thành viên và các Công ty Sách - Thiết bị trường học tại các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam với đầy đủ hóa đơn chứng từ, sau đó kèm vào, trà trộn số lượng lớn sách in lậu để bán. Trong khi đó, các giải pháp ngăn chặn tình trạng sách lậu vẫn mang tính đối phó, ít có sự can thiệp, giám sát của các cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Thành Lâm, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục chi nhánh TP HCM nói về cách phân biệt sách thật  và sách in lậu

Ông Đỗ Thành Lâm, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Trước mắt chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên có nhận biết về sách như chất lượng giấy, cách in… và nên mua ở các công ty sách thuộc hệ thống Nhà Xuất bản Giáo dục hoặc các nhà sách, đại lý có uy tín, đảm bảo chất lượng sách thật. Đồng thời chúng tôi đã gửi công văn cho các Sở Giáo dục – Đào tạo, các công ty Sách- Thiết bị trường học và các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp giúp đỡ"./.