Có một thực trạng đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương có các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Du lịch phát triển “nóng” khiến các di tích, di sản ngày càng bị xâm hại, hoặc ít nhất cũng chưa phát huy được giá trị vốn có của nó. Với Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang), bài toán phát triển du lịch bền vững cũng đang được đặt ra.

Thành quả của hàng trăm năm lao động

Tháng 9/2012, niềm vui lớn đến với nhân dân Hà Giang nói chung, huyện Hoàng Su Phì nói riêng khi Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì chính thức đón Bằng công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa và lịch sử của một trong những sáng tạo độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây qua nhiều thế hệ, mà còn mở ra cơ hội rất lớn trong việc khai phá tiềm năng du lịch để từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao cuộc sống người dân.

hoangsuphi1.jpg
Vẻ đẹp kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Ảnh:VNE)

Hoàng Su Phì là 1 trong 3 huyện vùng cao núi đất ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 24 xã và 1 thị trấn với 189 thôn bản và 5 khu phố. Đây là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em như Dào, Tày, Nùng, Mông, La Chí…, tổng số hơn 10.000 hộ với hơn 56.300 nhân khẩu.

Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp là hình thức lao động chính của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trải qua bao đời, nhờ bàn tay khéo léo, sáng tạo của con người, những thửa ruộng bậc thang dần xuất hiện, định hình và trở thành tài sản vô giá để thế hệ hôm nay có thể chiêm ngưỡng và khai thác.

Ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, Di sản ruộng bậc thang thuộc tại 6 xã: Bản Luốc, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyen, Hồ Thầu, Sán Xả Hồ, trong đó khu vực có cảnh quan đẹp nhất nằm vào địa phận các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ và Bản Phùng.

Năm 2012, Hoàng Su Phì khai hoang ruộng bậc thang được 60ha. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, huyện xác định: Đẩy mạnh công tác xây dựng làng văn hóa du lịch cồng đồng tại các xã có tua tuyến du lịch đi qua. Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị gắn với khai thác có hiệu quả Di tích Quốc gia ruộng bậc thang để thu hút du khách.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, khu vực được công nhận di tích chỉ là một phần trong tổng thể diện tích ruộng bậc thang trên toàn huyện. Còn có những điểm mà theo lời ông Phó Chủ tịch huyện, nếu được đầu tư bảo tồn, phát triển bài bản cũng đẹp không kém.

“Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không những có giá trị đặc sắc về cảnh quan mà hơn thế, nó còn mang giá trị minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng người tại đây. Đồng thời những thửa ruộng bậc thang cũng là tài sản và tạo nguồn thu nhập chính cho nhân dân các dân tộc trong huyện”, ông Lù Văn Chung nhấn mạnh.

Nét đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ cùng với vốn văn hóa độc đáo và phong phú của các dân tộc đã và đang tạo cho Hoàng Su Phì lợi thế rất lớn để phát triển du lịch.  “Tuy nhiên, định hướng và quy hoạch phát triển như thế nào để phát huy được giá trị của Di sản ruộng bậc thang một cách bền vững là điều mà tỉnh Hà Giang cũng như huyện Hoàng Su Phì đang đặt ra để có hướng phát triển phù hợp”, ông  Lù Văn Chung nhấn mạnh.

“Không vì cái lợi trước mắt”

Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì Lù Văn Chung cho biết, trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện cũng như thực tế tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đều xác định Hoàng Su Phì có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Trong đó, Hoàng Su Phì định hướng phát triển du lịch sinh thái với điểm nhấn là ruộng bậc thang và du lịch cộng đồng (gắn với bản sắc văn hóa của từng địa phương).

Cũng theo ông Chung, để bảo tồn và phát huy những lợi thế vốn có, trước hết, cần có giải pháp nâng cao đời sống và nhận thức của người dân. Theo đó, ngoài các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo hệ thống thủy lợi, huyện cũng đã nghiên cứu và hỗ trợ giống cây trồng, thâm canh tăng vụ để nâng cao thu nhập của bà con…

  Ông Lù Văn Chung

Trong năm 2012, các xã, thị trấn đã tích cực triển khai phương án phát triển sản xuất nông nghiệp theo công thức luân canh cây trồng, triển khai các mô hình, đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thâm canh, tăng vụ. Tổng diện tích gieo trồng hơn 18.124ha với tổng sản lượng lương thực cả năm đạt gần 33.600 tấn. Thu nhập bình quân đầu người là 10,3 triệu đồng/người/năm.

Ngoài ra, do đặc điểm là huyện có nhiều thành phần dân tộc và yếu tố địa lý chia cắt nên hiện trong cộng đồng còn lưu trữ được rất nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú. Tiêu biểu như lễ cúng rừng của dân tộc Nùng, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày-Nùng, tết Khu cù tê của dân tộc La Chí, lễ hội quay hiéng của dân tộc Dao đỏ và những là điệu dân ca dân vũ truyền thống của các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông, Cờ Lao…

Ông Lù Văn Chung cho biết, nhiều năm qua, Hoàng Su Phì đã có nhiều hoạt động để khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thông qua các hoạt động như tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc toàn huyện theo định kỳ 4 năm một lần; duy trì hoạt động của hội nghệ nhân dân gian tại 25 xã, thị trấn với hơn 1.000 hội viên và 120 đội văn nghệ quần chúng tại các xã, thôn bản trong toàn huyện để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Đồng thời huyện thường xuyên tham gia các chương trình tại tỉnh Hà Giang và khu vực để giới thiệu những nét văn hóa tới đông đảo bạn bè trong và ngoài tỉnh.

“Từ những lợi thế trên, có thể nói, tiềm năng du lịch của huyện Hoàng Su Phì là không nhỏ, nhưng từ bài học ở các địa phương khác, chúng tôi xác định rằng để phát triển du lịch một cách bền vững, vấn đề bảo vệ cảnh quan, nét văn hóa truyền thống là hết sức quan trọng.

Chính vì vậy, cùng với việc kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, huyện cũng đánh giá rất kỹ các dự án triển khai trên địa bàn. Không vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ cảnh quan thiên nhiên ban tặng, ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài”, Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì khẳng định./.