Thế nhưng, chỉ đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện rừng bị phá nham nhở thì chính quyền địa phương mới thừa nhận đã buông lỏng công tác quản lý và bảo vệ rừng. 

Sau hơn 2 tiếng lội bộ, men theo con suối Bà Đà hiểm trở, chúng tôi có mặt tại khoảng rừng bị phá, tận mắt chứng những mảng đồi bị cạo trọc, những cây gỗ đường kính trên 30cm bị đốn hạ nằm la liệt.

rung_phong_ho1_vov_zpys.jpg
Những cây gỗ lớn ở rừng phòng hộ Bà Đà bị đốn hạ

Từ đỉnh núi Bà Đà, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt quả đồi khác cũng bị đốt cháy nham nhở. Bên cạnh những khúc gỗ lớn mọc lên những cây keo do người dân tự trồng. Rừng phòng hộ Bà Đà rộng cả trăm héc ta, có tác dụng ngăn lũ lụt mỗi mùa mưa bão đến. Hơn một năm qua, khoảng 100 héc ta rừng phòng hộ thuộc địa bàn quản lý của xã Mai Hóa đã bị người dân chặt phá để chuyển đổi qua rừng sản xuất. 

Ông Thái Văn An, một người dân địa phương cho biết, người ta tranh nhau đốt phá rừng phòng hộ để giành đất. Đáng lẽ phải có ngăn cản trước khi họ bỏ cây rựa xuống giữa rừng. Đến khi họ phát xong tùm lum ra rồi chính quyền không có một ngăn cản. Họ đốt họ trồng hết, đến khi bão lũ nó về thì người dân ảnh hưởng ghê gớm. Dân cũng có đề nghị chỗ này chỗ khác nhưng kiểm lâm và huyện không giải quyết được vấn đề gì.

Nhiều người lo ngại, rừng đầu nguồn bị chặt hạ, mức độ của mưa lũ sẽ trở nên kinh hoàng hơn, đe dọa đến cuộc sống của người dân nơi đây. Còn nhớ cơn lũ kép xảy ra vào năm 2016 khiến hàng ngàn hộ dân ở xã Mai Hóa, Ngư Hóa, Cảnh Hóa và các xã dọc theo sông Trổ, sông Gianh phải đu bám trên nóc nhà chờ lũ rút. 

 Rừng bị chặt, đốt phá để trồng keo

Qua tìm hiểu mới hay rằng, những người phá rừng Bà Đà đều là hộ khá giả ở địa phương. Họ ngang nhiên thuê máy móc, nhân công mở hẳn một con đường dẫn vào rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Văn Lung, một người dân địa phương cho biết, các đối tượng đốt rừng lấy những khúc gỗ lớn mang về xuôi tiêu thụ, còn những cây gỗ nhỏ thì đem dựng hàng rào bảo vệ vườn keo trồng. Giữa các rừng cấm mà dân cứ vô làm tự do, không có trách nhiệm chi cả, trong rừng có gỗ táu, lim, sến, dổi, vàng tim..., nhiều loại cây có giá trị khác. Cho nên ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến bão lũ, bão lụt tàn sát nương vườn, nhà cửa cây cối dọc bờ sông.

Sau khi nhận thông tin 100 héc ta rừng phòng hộ ở huyện Tuyên Hóa bị tàn phá, Đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Bình gồm Chi cục kiểm lâm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh và lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra.

Ông Trần Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa thừa nhận, rừng bị phá do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Cơ quan chức năng của địa phương quản lý không chặt chẽ, các đối tượng lợi dụng sơ hở để họ vào phá. Đây là địa bàn (Bà Đà) hiểm trở, từ đường Mai Ngư vào cách xã hơn 10 cây số nên công việc tuần tra của lực lượng chức năng và của xã gặp khó khăn.

Người dân tự dựng hàng rào bảo vệ cây keo ở khu vực Bà Đà

Còn ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc quản lý diện tích lớn nên khó tránh khỏi sai sót. Sau khi rừng Bà Đà bị phá, lãnh đạo huyện đã phê bình nghiêm khắc Chủ tịch xã Mai Hóa và đơn vị kiểm lâm địa bàn vì thiếu trách nhiệm.

“Nói chung, về nguyên tắc dưới một góc độ nào đó thì mình sai, bây giờ Chi cục kiểm lâm tỉnh và lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo xã xử lý cái sai đó. Sau đó các hộ làm sai thu hồi lại, chừ không cho trồng keo nữa, bắt trồng các cây bản địa, tức là cây giẻ, cây lim sến táu chi đó”- ông Xuân Tín nói.

Người dân địa phương bức xúc khi cả trăm héc ta ừng phòng hộ bị băm nát. Dư luận mong muốn ngành chức năng vào cuộc làm rõ liệu có hay không việc bao che, dung túng cho hành vi phá rừng Bà Đà./.