Hàng trăm ha rừng thông xanh tươi thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đang bị tàn phá nghiêm trọng và biến thành đồi trọc.

Nghiêm trọng nhất  là rừng ở các tiểu khu thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng - giáp ranh với thành phố Đà Lạt. Điều đáng nói, mặc dù ngành chức năng địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý mạnh, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. 

Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện có 62 doanh nghiệp đã được cho thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư, với tổng diện tích được giao lên đến hơn 9.000ha. Trong số này có gần một nửa các dự án đầu tư nằm trên địa bàn xã Đạ Sar. Do hầu hết các dự án đều trong tình trạng chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng, trong khi giá trị đất tại xã Đạ Sar không ngừng tăng cao khiến nạn phá rừng, xâm chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép luôn nóng lên từng ngày. Nhiều trảng đồi thông đã biến thành vườn sản xuất. Màu xanh của rừng biến thành màu của đất đỏ bazan loang lổ khắp nơi. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì bất lực trong việc ngăn chặn và đối phó.

Ông Đinh Hiếu Đạo, Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Đa Ra Hoa, thuộc ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, tại xã Đạ Sar, cho biết: “Các đối tượng thường phá rừng vào ban đêm. Chúng cho người theo dõi và thường hoạt động vào gần sáng. Khi chúng tôi nhận được tin báo và tổ chức vây bắt thì bọn chúng cũng thông tin cho nhau bằng điện thoại và trốn”.

Điều đáng nói, các đối tượng phá rừng, xâm chiếm đất rừng trái phép không chỉ xảy ra một ngày, một giờ mà diễn ra liên tục và thường xuyên. Nếu trước đây dùng hình thức ken, đổ thuốc độc cho cây thông chết từ từ sau đó chiếm đất, thì nay đã chuyển sang hình thức triệt hạ thông đến đâu sang lấp, cải tạo mặt bằng đến đó... từ rừng thông xanh tươi bỗng chốc biến thành những thửa ruộng chỉ sau một đêm mưa.

Ông Ya Ti Ông, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương cho biết, việc sử dụng cơ giới máy móc rầm rộ là thế, nhưng chủ rừng dường như lại bất lực một cách khó hiểu.

Trong khi đó, ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nhận định, ngoài người dân địa phương, rừng bị phá còn do chính các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Chỉ mới đây thôi, các cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 19 doanh nghiệp phá rừng trái phép. Cũng đã có hơn 20 cán bộ bị xử lý vì có dấu hiệu tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng trái phép cũng không vì thế mà giảm đi nhiều. Vụ phá rừng thông, san ủi và cải tạo mặt bằng trái phép có quy mô lớn xảy ra gần đây nhất là vào ngày 20/4, tại khu vực Chín Cua, thuộc tiểu khu 144, xã Đạ Sar là một ví dụ điển hình.

Ông Phạm Triều, cho biết vụ này vẫn đang tiếp tục điều tra: “Gần đây có một vụ vi phạm phá rừng vào ban đêm. Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và chủ rừng vào truy bắt nhưng khi vào đến nơi thì các đối tượng phá rừng trái phép đã bỏ chạy. Vấn đề đặt ra ở đây là diện tích rừng bị phá nằm trong diện quy hoạch, nằm ngoài lâm nghiệp. Chúng tôi đặt câu hỏi xung quanh vấn đề này, là liệu có chăng có sự tiếp tay của cán bộ hay không, chúng tôi đang điều tra làm rõ”.

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, 4 tháng đầu năm nay, có đến 35ha rừng thông bị biến thành đồi trọc ở rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Một nửa trong số này đã được san ủi, cải tạo thành vườn sản xuất nông nghiệp. Nếu câu hỏi mà ông Phạm Triều đặt ra là “liệu có sự tiếp tay của cán bộ hay không?” – không sớm tìm ra câu trả lời, chắc chắn rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim sẽ nhanh chóng bị băm nát trong tương lai gần với tốc độ tàn phá như hiện nay.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại con số giật mình từ chính UBND Huyện Lạc dương là ước tính từ năm 2005 đến nay đã có 170 ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã bị san phẳng./.