Việc UBND tỉnh Bình Phước quyết định chuyển đổi hơn 575ha rừng ở tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp sang chăn nuôi kết hợp với trồng rừng mới đây, gây hậu quả nghiêm trọng.

vov_pha_rung_jnni.jpg
Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp

Hiện nay, Cơ quan công an đang điều tra để làm rõ những sai phạm liên quan đến việc hơn 100ha rừng đã bị tàn phá. Vậy, đây có phải là rừng nghèo kiệt cần phải phá đi để… trồng rừng? Về vấn đề này, phóng viên VOV- TP HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, người đã có hơn 20 năm gắn bó với khu rừng này.

PV:Thưa ông, lý do mà Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra để làm căn cứ chuyển đổi 575ha rừng tại Tiểu khu 69 là do khu rừng này nghèo kiệt. Theo ông, đây có phải là khu rừng nghèo kiệt hay không?

Ông Nguyễn Văn Ách: Rừng ở Bù Đốp mặc dù không nhiều và không phải giàu lắm, nhưng chúng tôi đã dẫn các ông ấy đi coi thực tế những khu vực rừng này để các ông thấy, không có rừng nào ở đây là rừng nghèo. Vì vậy, khái niệm rừng nghèo đối với tôi là không có.

Ở Bình Phước có mấy loại rừng là rừng thường xanh, rừng hỗn giao và rừng khộp. Đặc biệt, rừng khộp là rừng đặc trưng của khu vực Đông Nam bộ. Gần 10 năm nay, chúng tôi khoanh lại, không cho cháy để cây con mọc lên, nay đã trở thành rừng cây dày đặc. Mình đã làm được điều đó, không có lý do gì mà mình lại phá rừng này để trồng cây khác, trong khi thổ nhưỡng ở đây chỉ phù hợp với một số loài cây như cây dầu đồng, cây giáng hương, cây cà chất, cây da đá. Đây là những cây rất có giá trị. Nếu rừng đã khai thác trước đây, mà mình đưa ra tiêu chí là 100m3 gỗ/ha thì là mình bức tử rừng. Hiện nay, diện tích rừng của Bù Đốp chỉ còn có vài ngàn ha. Mình mong các ông ấy hãy giữ lại rừng, không để rừng bị mất nữa. Người dân ở đây cũng rất đồng tình cùng giữ lại rừng.

PV:Từ khi UBND tỉnh Bình Phước có chủ trương chuyển đổi diện tích rừng được cho là nghèo kiệt này sang chăn nuôi kết hợp trồng rừng thì ông đã có những kiến nghị như thế nào lên cấp trên?

 Ông Nguyễn Văn Ách: Từ khi đưa ra dự án này thì chúng tôi đã đấu tranh rất kiên quyết để không chuyển đổi diện tích rừng này. Khi không thể giữ được rừng ở Khoảnh 1, chúng tôi đã thực hiện bước 2 là quản lý thật chặt khoảnh 2 và khoảnh 3. Tôi cho anh em làm mọi cách để 2 khoảnh còn lại này không bị tác động khi họ khai thác ở khoảnh 1.

Quyết định này đúng hay sai tôi chưa dám nói, vì tầm của tôi chỉ nhìn đến cỡ đó thôi, tôi không dám nghĩ đến những điều lớn lao, tôi chỉ mong giữ được rừng. Nói thật là tôi đã năn nỉ lãnh đạo đừng chuyển đổi khu rừng này. Ở những nơi có triển khai dự án phá rừng là tôi không đến đó nữa vì tôi cảm thấy đau lòng lắm.

PV:Đối với hơn 100ha rừng đã bị khai thác rồi thì chúng ta nên làm như thế nào? Còn khoảnh 2 và khoảnh 3 trong Tiểu khu 69 này, lực lượng kiểm lâm có biện pháp gì để bảo vệ diện tích rừng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ách: Tôi cho rằng, diện tích nào chưa bị tác động thì chúng ta phải nhanh chóng ngăn chặn, không cho tác động nữa. Còn diện tích đã bị cày ủi ra đó thì cần thiết phải trồng lại rừng.

Chúng tôi đã phải đấu tranh với thiên nhiên để giữ lại từng cây rừng, ở những nơi có bình độ cao. Ở những nơi rất khó khăn, chúng tôi đã phải trồng lại để tạo diện tích tán che cho rừng, được cây nào đỡ cây đó. Vậy thì tại sao chúng ta không trồng lại rừng ở diện tích đất thuận lợi như thế này.

Ở đây hiện nay rất bình yên, nên thú rừng về ở nhiều. Bò rừng đã đến thường xuyên. Nếu chúng ta tận dụng được lợi thế của khu rừng này để khai thác du lịch sinh thái thì trước hết chúng ta sẽ thu hút được khách du lịch, sau đó là chúng ta để thế hệ sau còn biết rừng tự nhiên là gì. Còn nếu để mất rừng, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, tôi đều thấy mình có tội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.