Từ bao đời nay, chợ quê vẫn là nơi hiển hiện rõ nhất không khí chuẩn bị đón tết ở nông thôn. Càng gần tết, chợ quê càng tấp nập kẻ bán người mua. Và phiên chợ ngày 30 tết thật đặc biệt bởi đây là phiên chợ cuối cùng của năm.

Chợ số Sáu, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, khung cảnh chợ ngày 30 Tết nhộn nhịp khác hẳn với các phiên chợ ngày thường. Chợ họp từ sáng sớm kéo dài đến tận chiều. Ai đi chợ mặt cũng vui tươi, rạng rỡ. Không chỉ có người lớn đi mua sắm mà có cả trẻ con, với khuôn mặt háo hức sắp được mua quần áo mới. 

vov__1_hvlz.jpg
Khung cảnh Chợ số Sáu, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang ngày 30 Tết.

Tại phiên chợ này, các sản vật của địa phương, hàng hóa phục vụ tết đều tập trung nhiều. Hàng hóa được bán ở chợ chủ yếu là các nông sản, chuối, cam, bưởi, rau củ do bàn tay người dân nơi đây trồng được. Chợ quê ngày tết không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất…đã tạo nên bức tranh mùa xuân với màu sắc tươi vui.  

Bà Nguyễn Thị Ngoan, ở xóm Hoàng Pháp, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn cho biết: nhà trồng được hoa và một ít rau củ, bà cũng mang đi bán để có tiền sắm tết: "Năm nay giá cả không tăng bao nhiêu. Hoa mọi năm 10-15 nghìn/ bông, năm nay 7-8 nghìn. Quất có 8 nghìn 1 túm to. Bán đồ nhà mình rồi để ăn tết cho vui vẻ, chiều ở nhà dọn dẹp."

Trầu cau là thứ lễ vật quan trọng trong lễ cúng Tết, nên các bà, mẹ chú ý sắm sửa trước tiên.  Đặc biệt nhất từ đằng xa có thể ngửi mùi thơm thoang thoảng những bó rau mùi già không thể thiếu trong cái làn của các bà, các mẹ những ngày này.

Bởi theo quan niệm dân gian, tắm lá mùi già ngày tết để lấy may là một trong những nét cổ truyền của địa phương. Những bó rau mùi dài có cả hoa lẫn quả được bán chỉ với giá 5 nghìn đồng/bó. Bà Trần Thị Huê, người bán rau mùi cho biết: cứ đến dịp cuối năm nhiều gia đình thường mua một bó rau mùi già về nấu nồi nước thơm cho cả gia đình tắm trước và trong tết để trút chút bỏ những điều không may của năm cũ và đón nhận những điều tốt lành trong năm mới: Các cụ nói là sáng mùng 1 mình rửa mặt mũi cho thơm để lấy thơm tho,may mắn cả năm. Năm nay cô cũng bán được nhiều lắm rồi.

Sự nhộn nhịp của chợ quê ngày Tết với không khí chuẩn bị vui Tết đón Xuân về tưng bừng của người dân và lưu giữ trong đó những giá trị tinh thần tốt đẹp của văn hóa Việt Nam xưa. Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết hay cây cảnh trang trí nhà ngày tết. Với mỗi người con xa quê thì càng thêm ý nghĩa hơn bởi về quê đi chợ Tết để mua, để bán và để được đắm hồn mình giữa quê hương.

Bà Bùi Thị Mền, ở Hà Nội về quê ăn Tết, chia sẻ: mỗi dịp tết nguyên đán, gia đình bà luôn mong muốn về quê hương đón tết và để được đi chơi chợ quê mua sắm và ngắm cảnh. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ của mình khi còn bé được theo mẹ đi chợ quê: "Chợ bây giờ khác xưa nhiều. Tôi thấy chợ quê ngày xưa không nhiều hàng hóa, bây giờ đời sống khá hơn, hàng hóa phong phú hơn, nhất là các loại hoa. Tôi mua được nhiều thứ lắm."

Đi chợ quê ngày 30 tết, để mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được không khí Tết về đến rất gần. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm chuẩn bị để đón chào năm mới xen lẫn sự vội vàng, nóng lòng về nhà để làm mâm cơm chiều 30 tết mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Phiên chợ Tết cũng là một dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp./.