Từ niềm đam mê khoa học kỹ thuật, lập trình sáng chế robot, bạn Nguyễn Ngọc Dũng và 2 bạn Trần Minh Khoa, Hoàng Trung Kiên, học sinh lớp 9A3, trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội đã tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo ra Robot phẫu thuật. Sản phẩm được giải Bạc trong cuộc thi Robotacon Quốc tế (IYRC) online năm 2020. Đây là cuộc thi dành cho thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới, nhằm tìm ra những tài năng nổi trội về chế tạo và lập trình robot.
"Robot này có tên gọi là robot phẫu thuật. Trên thế giới có rất nhiều loại bệnh cần đến phẫu thuật và các bác sĩ không đủ nguồn lực và có thể có những rủi ro nên bọn em đã chế tạo ra robot phẫu thuật để nâng cao hiệu suất và hiệu quả, giúp cho các bác sĩ làm nhanh hơn và cũng đỡ tốn kém nhân lực. Bác sĩ mổ chỉ cần đúng 1 người mổ. Bình thường là 1 ca phẫu thuật cần nhiều bác sĩ đứng vào, 1 người đứng lấy đồ, 1 người mổ, 1 người giữ da. Bọn em làm con robot trong đó đựng các đồ. Bác sĩ có bảng điều khiển ở trên và cũng có ống nhòm nhìn ở dưới nên sẽ chỉ cần 1 người để phẫu thuật". Đó là chia sẻ của em Trần Minh Khoa, 1 trong 3 bạn cùng nhóm có ý tưởng chế tạo robot phẫu thuật.
Minh Khoa cho biết, robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau với những công việc cần độ chính xác cao một cách liên tục hoặc những công việc ở những nơi nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Qua tìm hiểu và biết những người mắc bệnh Covid-19 đều trên cơ sở mắc nhiều bệnh lý nền nên đã không qua khỏi, nhóm bạn của Minh Khoa muốn nhắm đến đối tượng này cũng như các bệnh cần được phẫu thuật với sự chính xác cao và hiệu quả. Vì vậy, các em đã chế tạo ra robot phẫu thuật.
Robot này được kiểm soát bởi những ′′cảm biến cảm ứng”, nặng 6kg và có chiều cao gần 1m. Để có thể lập trình được robot phẫu thuật chuẩn xác, nhóm của Minh Khoa đã tới bệnh viện xem các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân; đồng thời áp dụng nhiều kiến thức của các môn học như Toán, Sinh, Lý… để có thể lập trình robot hoạt động chính xác được.
"Robot có 6 cánh tay. Hai cánh tay để giữ vết thương. Một cánh tay một con dao để cắt và loại bỏ khối u. 2 đèn hai cánh tay để có thể giúp hồi lại vết thương. Bọn em còn làm kính lúp để bác sĩ nhìn rõ hơn khi đứng đằng sau con robot điều khiển. Đầu tiên, bọn em phải dùng một ứng dụng lập trình trên máy tính để có thể được điều khiển dễ dàng bằng các nút gắn trên robot"- Hoàng Trung Kiên, thành viên của nhóm chế tạo cho biết.
Giành giải Bạc trong cuộc thi Robotacon Quốc tế (IYRC) online năm 2020 không chỉ giúp Ngọc Dũng, Minh Khoa, Trung Kiên thỏa mãn niềm đam mê mà qua đó, các em còn có thể học hỏi kinh nghiệm để xây dựng ý tưởng về công nghệ, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm,…
"Quan trọng là các em có niềm đam mê. Các em được tự nghiên cứu là chính và trên cơ sở có sự hỗ trợ của các thầy cô ở trung tâm. Hàng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh các khối lớp đăng ký nghiên cứu của các em theo lĩnh vực mà các em thích và nhờ các chuyên gia hướng dẫn biến ý tưởng"- ông Vi Mạnh Tường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Về hướng phát triển của Robot phẫu thuật này trong thời gian tới, Trung Kiên và Minh Khoa cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh hơn như lắp thêm bánh xe ở dưới để robot di chuyển thuận tiện, cánh tay có thêm chức năng như cầm máu, gây mê và có thể tiêm cho bệnh nhân… Từ những thành công bước đầu, nhóm Trung Kiên và Minh Khoa cho rằng, để có được một sản phẩm công nghệ thực sự hiệu quả, điều quan trọng nhất cần có là sự đam mê, sáng tạo và quyết tâm cao./.