Sáng 7/8 tại Hà nội, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”. Chủ biên là TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ.

Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” gồm 400 trang khổ 16x24cm, được in bìa cứng với 4 chương. Chương 1 giới thiệu một cách chính xác, khoa học hệ thống vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.

sach1.jpg

Chương 2 đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế.

Trong chương 3, cuốn sách lược lại rất cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ xây dựng, đổi mới và hội nhập đất nước ngày nay. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử, đã chiếm và thực thi chủ quyền của mình tại hai quần đảo này một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Trong chương cuối của cuốn sách, các tác giả nêu lên thực trạng và những giải pháp giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Ngoài ra, còn có phần phụ lục, tập hợp các bài nghiên cứu về Biển Đông, trong đó có loạt bài đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2011: “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế” của nhóm phóng viên Lê Phúc, Lê Bình, Thu Lan, Thùy Vân, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cuốn sách là thành quả lao động nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết của tập thể những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực công pháp quốc tế, lịch sử, và cả các nhà báo... Đặc biệt là Chủ biên, TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ.

Với hơn 30 năm làm việc trong Ban Biên giới của Chính phủ, ông là thành viên của nhóm dịch giả dịch Văn bản Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 từ bản tiếng Pháp sang tiếng Viêt, xuất bản năm 1999.

Bênh cạnh đó có sự đóng góp của TS. sử học Nguyễn Nhã, một chuyên gia về lịch sử Biển Đông, người đã có rất nhiều công trình, bài báo rất uy tín về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Ra mắt đúng thời điểm Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, cuốn sách được đánh giá sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác về biển, đảo đến với người dân; chuyển tải những quan điểm, quy định đúng đắn, khách quan của nhà nước Việt Nam, phù hợp với Công ước Luật Biển của LHQ 1982 về các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế./.