Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

hoi_nghi_wfcr.jpg
Toàn cảnh hội nghị Trung ương 6, khóa XII

Hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (SNC) đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cung ứng dịch vụ SNC đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, … cả về loại hình, số lượng và chất lượng.

Hệ thống các đơn vị SNCL đã đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Thực trạng các đơn vị SNCL và kết quả thực hiện tự chủ về tài chính

Số lượng đơn vị và nhân lực trong các đơn vị SNCL của ta hiện rất lớn: Năm 2016 có 57.995 đơn vị, với gần 2,5 triệu người, chưa kể số nhân lực trong Quân đội và Công an.

Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đó là các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo (41.801 đơn vị, chiếm 72,08%; 1.527.049 người, chiếm 62,54%) và các đơn vị sự nghiệp y tế (6.160 đơn vị, chiếm 10,62%; 402.553 người, chiếm 16,49%).

Tính đến hết 2016, có 2.057 đơn vị tự chủ tài chính, bằng 3,54%, 12.968 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm 22,36%. 42.146 đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, chiếm tỷ lệ 72,67%.

Hệ thống cung ứng sự nghiệp công đã phủ kín hầu hết các địa bàn, lĩnh vực. Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao phủ kín đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Hệ thống đơn vị SNCL giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Đã chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ, ngoài chi phí vật tư, đã từng bước tính chi phí tiền lương vào giá dịch vụ, góp phần bù đắp chi phí của các đơn vị, giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Chính sách ưu đãi, khuyến khích thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (đất đai, thuế, tín dụng…) đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các trường đại học, bệnh viện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội. Thực hiện thí điểm cổ phần hóa đơn vị SNCL.

Về hạn chế, yếu kém: Việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn.

Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.

Hệ thống các đơn vị SNCL còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của đơn vị SNCL. Chưa xác định rõ những dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước và những dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn trực tiếp quản lý quá nhiều đơn vị SNCL.

Các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ đổi mới theo xu thế đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường.

Việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động còn nhiều hạn chế do còn thiếu các tiêu chí đánh giá chất lượng từng loại hình dịch vụ SNC.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, nên đã hạn chế thực hiện chế độ tự chủ của đơn vị SNCL.

Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp.

Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, tỷ lệ đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao.

Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong đơn vị SNCL còn hạn chế. Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập. Các dịch vụ công được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí còn rất rộng. Đại bộ phận nguồn kinh phí đều do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ chi trong các lĩnh vực sự nghiệp chiếm 44% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa trong các đơn vị SNCL còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và còn thiếu vững chắc. Số lượng đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính còn quá ít.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Việc thể chế hóa các chủ trương của đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực SNC còn chậm và chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều chính sách là tiền đề, là điều kiện của việc gia quyền tự chủ cho đơn vị SNCL còn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hạn chế, chưa có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định.

Chưa xác định được bước đi cụ thể, phù hợp để triển khai chuyển đổi hoạt động của các đơn vị SNCL. Chưa phân định rõ chức năng cung cấp dịch vụ công với chức năng quản lý nhà nước của cơ quan chủ quản.

Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đến năm 2030

Bảo đảm sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò giám sát của người dân trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội.

Cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị.

Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán, dàn trải, chồng chéo và trùng lắp.

Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL và thu nhập của đội ngũ viên chức, người lao động.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phân định rõ chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của đơn vị SNCL.

Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị SNCL về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với việc tăng cường quản trị nội bộ và kiểm tra của Nhà nước, giám sát của người dân và xã hội.

Nhất quán thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ SNC theo nguyên tắc phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt của các đơn vị SNCL, đồng thời tăng cường thu hút mọi nguồn lực xã hội, phát triển mạnh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, những việc mà doanh nghiệp, người dân làm được và làm tốt thì Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện.

Thực hiện công khai, minh bạch, không phân biệt giữa đơn vị SNCL và ngoài công lập.

Phát triển thị trường dịch vụ SNC, coi đây là một giải pháp quan trọng và đột phá để xã hội hóa dịch vụ SNC.

Mục tiêu tổng quát của công việc hệ trọng này là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý; giữa vai trò nòng cốt trong thị trường dịch vụ SNC; cung ứng dịch vụ SNC có chất lượng ngày càng cao; đảm nhận tốt vai trò cung ứng dịch vụ SNC cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ SNC cho mọi tầng lớp nhân dân và xã hội.

Giảm mạnh tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị SNCL, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và cải cách tiền lương.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ SNC, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị SNCL với ngoài công lập, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ SNC.

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn đến năm 2021 là cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa các chủ trương của đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị SNCL.

Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị SNCL. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

Tập trung giải quyết để cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị SNCL (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). 

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính. Phấn đấu giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị SNCL so với giai đoạn 2011 - 2015.

Cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). 

Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ SNC (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Giai đoạn đến năm 2025 và 2030, hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động đơn vị SNCL.

Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị SNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.

Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị SNC (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đến năm 2030, tiếp tục việc thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu hầu hết chỉ còn các đơn vị SNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ SNC cơ bản, thiết yếu.

Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiệm vụ và giải pháp

Trước hết, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị SNCL nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL, xã hội hóa dịch vụ SNC.

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị SNCL gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.

Chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường.

Phân loại các đơn vị SNCL theo tính chất hoạt động để có cơ chế và định hướng phù hợp. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về chi tiêu, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị SNCL theo từng ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở đó sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc:

(1) Không quy định việc thành lập, mở rộng cơ cấu tổ chức bộ máy các đơn vị SNCL trong văn bản pháp luật chuyên ngành.

(2) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị SNCL, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ SNC thiết yếu, cơ bản).

(3) Một đơn vị SNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ SNC cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

(4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị SNCL hoạt động không hiệu quả.

(5) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiền thành công ty cổ phần.

Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị SNCL do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.

Đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị SNCL.

Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị SNCL ở vùng sâu,vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị SNCL (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà Nước).

Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định.

Có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính).

Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp.

Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%.

Rà soát, có giải pháp phù hợp để sắp xếp, tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị SNCL.

Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí và thực hiện đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức hàng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ này.

Quy định và thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó. Trong quá trình sắp xếp lại, thì trong một giai đoạn nhất định số lượng cấp phó của các đơn vị SNCL do hợp nhất, sáp nhập có thể cao hơn quy định.

Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, thăng hạng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả lãnh đạo, quản lý).

Có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị SNCL.

Thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ SNC theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ SNC. 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ SNC:

(1) Xác định các dịch vụ công cơ bản và thiết yếu mà nhà nước phải bảo đảm, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Các dịch vụ công tác khác không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, đơn vị được xác định giá theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút các nhà đầu tư thành lập các tổ chức (hoặc doanh nghiệp) tham gia cung cấp dịch vụ SNC.

(2) Có chính sách khuyến khích ưu đãi hơn nữa về đất đai, thuế, phí, tín dụng,... để tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

(3) Có chính sách đối xử bình đẳng giữa các đơn vị SNCL và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ công. Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ SNC của Nhà nước.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị SNCL sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp.

Các đơn vị được Nhà nước giao vốn tài sản để thực hiện cung cấp dịch vụ SNC, trên cơ sở đó từng bước tính đủ chi phí đầu vào (kể cả khấu hao) để xác định giá dịch vụ.

Các đơn vị đã bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động, được Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tang cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối.

Chuyển đổi các đơn vị SNCL có đủ điều kiện sang công ty cổ phần. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.

Có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn thuận lợi để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là đối với các thành phố, đô thị lớn có dân số tăng nhanh do nhập cư.

Thực hiện chuyển đổi hoạt động của các đơn vị SNCL đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự đảm đảo hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị SNCL cung cấp các dịch vụ SNC có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh  phí hoạt động có thời hạn.

Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ.

Có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ SNC.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng: Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Có chính sách thuận lợi để tổ chức khoa học và công nghệ công lập được quyền sở hữu và có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy quá trình thương mại hóa ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu. Xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và tư, giữa các bệnh viện công. Cho phép lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập được tham gia quản lý điều hành tại các cơ sở hợp tác công - tư như người đại diện phần vốn Nhà nước.

Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị SNCL. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Rà soát hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế tiên tiến, hiện đại.

Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị, ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị SNCL.

Hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị SNCL.

Phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động sự nghiệp do Nhà nước giao với hoạt động kinh sang dịch vụ của các đơn vị SNCL.

Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ SNC sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí. Đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh tế để thực hiện. Đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cũng tham gia. Đối với các dịch vụ khác đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế khác.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ SNC theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Đối với giá dịch vụ SNC không sử dụng ngân sách Nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách Nhà nước. Phân loại các đơn vị SNCL theo mức độ tự chủ khác nhau về tài chính.

Đối với đơn vị đã tự chủ về tài chính được trả lương theo kết quả hoạt động. Đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thực hiện trả lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành, đối với phần tăng thu, tiết kiệm chỉ được trích lập các quỹ bổ sung thu nhập và phát triển hoạt động sự nghiệp.

Rà soát các quy định về thuế nhằm khuyến khích tự chủ tài chính và có tích lũy cho đầu tư. Đối với đơn vị đã tự chủ về tài chính được tính chi phí tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Đảm bảo nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL và thực hiện tinh giản biên chế.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL theo hướng phân định rõ việc quản lý Nhà nước với quản trị đơn vị SNCL và việc cung ứng dịch vụ SNC. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động dịch vụ SNC.

Xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ SNC; tiêu chí phân loại các đơn vị SNCL; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh thực; hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị SNCL; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành đơn vị SNCL và quy định cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện thẩm quyền.

Lấy kết quả thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hàng năm là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị SNCL.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ SNC. Tăng cường công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát đối với đơn vị SNCL.

Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ SNC theo ngành, lĩnh vực.

Chuyển các đơn vị SNCL có tính chất cung cấp dịch vụ SNC của Bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý. Bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị SNCL phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL.

Nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về vai trò và chức năng lãnh đạo của tổ chức Đảng trong đơn vị SNCL.

Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL./.

Cùng loạt bài: