Liên quan đến quy hoạch hai bờ sông Hồng, PV VOV.VN đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Chiến - chuyên gia đầu ngành về công trình thủy và thủy lợi.
PV: Theo ông việc thiết kế, quy hoạch sông Hồng nên theo hướng như thế nào?
GS.TS Nguyễn Chiến:Quy hoạch thoát lũ sông Hồng đã được phê duyệt năm 2010, nhưng việc thực hiện quy hoạch đó còn chưa nghiêm túc, tình trạng lấn chiếm, xây cất công trình kiên cố vi phạm hành lang thoát lũ và Luật đê điều khiến dòng dẫn của sông Hồng mấy năm bị tác động rất nhiều.
GS.TS Nguyễn Chiến chuyên gia về công trình thủy và thủy lợi. |
Quy hoạch lại để phát triển là đúng, có điều là thay đổi, phát triển thì phải hiện đại, hiểu rõ được lịch sử con sông. Các đơn vị thiết kế nên ở các nước có KH-CN hiện đại và mối quan hệ chính trị tốt, lịch sử quan hệ không có vấn đề gì vì ở đây không đơn giản là qui hoạch thông thường mà còn có cả yếu tố an ninh quốc phòng. Thứ nữa là phải tính đến đặc điểm con sông, không thể mang quy luật ở con sông khác về áp đặt cho sông Hồng, do đó phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Trong quy hoạch phải xem lại tuyến, lấn ra hay lùi vào? Chỗ nào lấn ra vi phạm luồng lạch, hành lang thoát lũ thì phải nắn thẳng, tiếp theo đó là kết cấu của đê. Đê đất có từ hàng nghìn năm nay rồi bây giờ nhiều vùng bị bồi đắp chiếm một diện tích rất lớn, xâm hại dòng chảy, vì vậy cần cải tạo một số đoạn từ đê đất sang đê bê tông hiện đại, dành diện tích để phát triển như làm đường giao thông hay công viên,… chứ không thể xây dựng nhà cửa hay các công trình kiên cố tại chân đê.
Về nguồn lực thực hiện, trước khi quy hoạch phải tính đến các nguồn lực như việc nhà nước bỏ ra bao nhiêu, nguồn xã hội hóa bao nhiêu? Chứ không thể đơn thuần kỹ thuật là thiết kế được, trong quy hoạch là phải có dự trù trước việc thực hiện và từng mục thực hiện, việc quy hoạch và xây dựng là rất lớn mình không thể làm đồng loạt được mà phải ưu tiên từng mục một.
Hình ảnh đê đất sông Hồng sẽ thành tường bê tông cốt thép
PV: Trước đây cũng có dự án của Hàn Quốc xem xét về quy hoạch sông Hồng, nhưng được một thời gian dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nên đã dừng lại. Theo ông chúng ta có nên tiếp tục thực hiện?
GS.TS Nguyễn Chiến: Tôi cho rằng, nếu như chúng ta thực hiện theo phương án đó là rất khả thi, vì trước hết là họ cũng có con sông chảy qua thủ đô như mình, thứ 2 là họ có nhiều kinh nghiệm.
Một nước Châu Âu nào đó cũng nên cân nhắc khi làm quy hoạch, về mặt sông có thể khác ta, nhưng mức độ hiện đại ở cấp độ hơn ta. Các đơn vị tư vấn trong nước, rất nhiều người học ở nước ngoài về, nhưng vẫn bị kiềm chế, ảnh hưởng bởi người này người khác, tổ chức này tổ chức khác nên bị hạn chế, không khách quan.
Tôi thấy hợp tác với các đơn vị nước ngoài là tốt nhất, nhưng phải là nước có khoa học công nghệ hiện đại, về mặt chính trị chúng ta cũng có quan hệ tốt, và đặc biệt là không có vấn đề gì về lịch sử lâu dài mà cần thận trọng.
PV: Theo ông, chúng ta có thể nhờ chuyên gia quy hoạch cho sông Hàn ở Đà Nẵng làm cho sông Hồng không?
GS.TS Nguyễn Chiến: Thực ra sông Hàn bé hơn và mức độ lũ cũng không dữ như sông Hồng, sông Hồng lũ do toàn bộ lưu vực trên thượng nguồn Trung Quốc dồn về. Sông Hàn chỉ là một sông nhỏ, lũ không dữ, tính chất hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, về kinh nghiệm quy hoạch là xây đê, xây kè, những tư tưởng lớn, phù hợp vẫn có thể học hỏi, nhưng cũng không thể dập khuôn từ sông Hàn sang sông Hồng, vì quy mô 2 con sông khác nhau và Đà Nẵng cũng nhỏ hơn Hà Nội rất nhiều. Chúng ta cần tôn trọng lịch sử của con sông cũng như lịch sử con đê 2 bên sông Hồng.
P/V: Thưa ông, Quy hoạch sông Hồng nói chung, cần chú ý đến những yếu tố nào thưa ông?
GS.TS Nguyễn Chiến:Quy hoạch đó phải gắn với quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp thoát nước phải xem xét rất kỹ, để không mâu thuẫn với các quy hoạch khác. Nhiều chỗ quy hoạch chồng lấn với nhau ví dụ quy hoạch giao thông thủy và quy hoạch thủy lợi nhiều cái trùng nhau, vì vậy cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nhau chứ thau luồng lạch ở bờ trái lại khơi sâu ở bờ phải thì vừa sai lại không phù hợp.
Hà Nội quy hoạch đê điều là đúng nhưng phải rất thận trọng, gắn với phát triển của hai bên bờ như khu dân cư, khu kinh tế, giao thông,… phải chỉnh trang cho hiện đại và thuận lợi. Trước đấy chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc thoát lũ mà chưa chỉnh trang đô thị thì chúng ta chưa làm được, tất nhiên là chúng ta có đặt vấn đề nhưng khi thực hiện vẫn chưa nghiêm túc.
PV: Vậy Hà Nội khi lập quy hoạch của hai bên bờ sông Hồng thì phải tuân thủ những quy tắc nào thưa ông?
GS.TS Nguyễn Chiến:Hà Nội thiết kế phải tuân thủ luật và phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Vừa rồi Bộ NNPTNN đã tổ chức đánh giá lại khả năng thoát lũ như hiện tại và hướng thoát lũ. Nhiều con sông đã giảm khả năng thoát lũ đi nhiều như sông Ninh Cơ, Trà Lý trước kia thoát lũ rất tốt bây giờ đã giảm khả năng đi rất nhiều,… trên cơ sở các số liệu sau đó Bộ sẽ tính lại với các con lũ lớn hàng 500 năm mới xuất hiện một lần tương ứng với mực nước tại Hà Nội là cao ở mức trên 13,6m tức là trên mực thiết kế của các đê tại Hà Nội. Số liệu cập nhật về mặt địa hình, khí hậu,…có thể sau 10 năm nữa số liệu lại khác. Vì vậy, chúng ta đã đưa vào Luật đê điều cứ 10 năm là phải cập nhật lại số liệu, đánh giá lại khả năng thoát lũ và phương hướng thoát lũ trên các khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!