Sáng 21/12, tại TP Hải Dương, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới” nhằm góp ý, kiến nghị công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Qua 3 năm thực hiện việc lập, duyệt, quản lý quy hoạch nông thôn mới, trên 60% xã đã hoàn thành quy hoạch chung, nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như: Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Nhiều xã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường làng, kênh mương thủy lợi, trường học… bước đầu thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, chất lượng quy hoạch hạn chế. Đó là sự thiếu tính đồng bộ không khớp nối với quy hoạch vùng, quy hoạch đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ít quan tâm tới quy hoạch chi tiết.

Một số tỉnh, thành phố vẫn chưa hoàn thành quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch nông thôn mới. Trong đó, nội dung đánh giá hiện trạng tổng hợp có sự khác biệt rất lớn giữa các xã, do đó chất lượng đánh giá hiện trạng còn sơ sài, thiếu cơ sở, thiếu tầm nhìn.

Bên cạnh các vấn đề bất cập trong xây dựng, thực hiện quy hoạch nông thôn mới, năng lực của các chủ thể tham gia nhiệm vụ quy hoạch gồm chính quyền cấp xã và đơn vị lập quy hoạch là các công ty tư vấn còn hạn chế về tổ chức và trình độ.

Nhiều công ty tư vấn có năng lực trình độ hiểu biết quy hoạch nông thôn mới còn thấp, nhất là lĩnh vực thủy lợi, sử dụng đất, kinh tế nông nghiệp… Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Để quy hoạch nông thôn mới đạt chất lượng, cần thực hiện nhiều giải pháp, rà soát kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu toàn quốc, không chạy theo thành tích, những đơn vị hoàn thành quy hoạch cũng cần phải rà soát, điều chỉnh đảm bảo chất lượng./.