Đây là chỉ đạo quyết liệt của Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh tại cuộc họp trực tuyến về công tác chống dịch của địa phương tối 28/1.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh trên địa bàn có 11 ca mắc Covid-19 liên quan tới 2 ổ dịch tại Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và thành phố Chí Linh (Hải Dương). Trong đó, các lực lượng chức năng đã khoanh vùng được 384 trường hợp F1; 330 trường hợp F2 và 2 trường hợp F3 liên quan tới ổ dịch tại sân bay Vân Đồn và 43 trường hợp F1; 56 trường hợp F2 tại ổ dịch Chí Linh.
Riêng tại huyện Vân Đồn còn 105 trường hợp (trong đó 100 trường hợp F2 ; 5 trường hợp F1) chưa lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế Quảng Ninh đang tăng cường nhân viên y tế giúp các địa phương kịp lấy mẫu bệnh phẩm, gửi về xét nghiệm.
Quảng Ninh bố trí 6 máy xét nghiệm trong đó có 1 máy xét nghiệm tách triết tự động có thể thực hiện một lúc nhiều mẫu bệnh phẩm, đảm bảo việc xét nghiệm có kết quả nhanh nhất. Quân khu 3 đã hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 2 máy phun khử khuẩn tự động tại các ổ dịch Vân Đồn, khu phố 6, bệnh viện Vinmec và thị xã Đông Triều.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh có 6 máy xét nghiệm, tuy nhiên, duy nhất máy xét nghiệm ở CDC là có hệ thống tách chiết tự động nên xét nghiệm được nhiều, còn lại 5 đơn vị còn lại đều tách chiết bằng tay thủ công cho nên làm rất lâu.
“Nếu như tỉnh mua được cho chúng tôi một hai máy tách chiết nữa thì công suất xét nghiệm thì sẽ đúng như mong đợi của chúng ta. Cho nên rất mong các đồng chí quan tâm mua thêm 2 cái máy tách chiết nữa 1 cái đặt ở Uông Bí Thuỵ Điển, một cái đặt ở Bệnh viện đa khoa tỉnh”, ông Diện nêu ý kiến.
Các địa bàn Vân Đồn, Đông Triều, Hạ Long được xác định là địa bàn trọng điểm, có nguy cơ bùng phát dịch cao do có các ca mắc Covid-19. Để kiểm soát được dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các địa phương Vân Đồn, Đông Triều khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm đến F4 tất cả các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh đã được công bố đồng thời xây dựng phương án phong tỏa khi có diễn biến mới ở mức cao hơn.
Việc đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ giúp việc khoanh vùng, dập dịch được hiệu quả, để xác định khu vực cần phong tỏa, cần cách ly xã hội và cần có biện pháp cao hơn mức bình thường. Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh xây dựng các phương án cứng rắn để phòng chống dịch nhưng nhất định không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
“Việc lớn nhất của đợt phong tỏa này là vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo sinh hoạt cho người dân ngày tết. Hàng khô thì không nói nhưng hàng tươi sống, hàng hóa phải đảm bảo cho những ngày quan trọng như 23, 30 tết âm lịch để cung cấp cho người dân. Yêu cầu sở Công Thương rà lại có báo cáo kỹ hơn, không để các chủ hàng lợi dụng những việc này, gây áp giá làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và sẽ xử lý rất nghiêm những trường hợp này”, Bí thư tỉnh Quảng Ninh nói.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành công điện khẩn đưa ra các giải pháp cấp bách phòng chống dịch. Công điện nêu rõ các huyện, thị xã, thành phố như Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Vân Đồn, Quảng Yên áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 28/01/2021 đến hết ngày 21/02/2021.
Riêng đối với các khu vực: tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long); các xã: Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ (thị xã Đông Triều) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 00h00 ngày 28/01/2021 đến hết ngày 21/02/2021 theo nguyên tắc đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định./.