Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi những trận mưa được coi là lớn nhất trong vòng 40 năm trút xuống khắp Quảng Ninh. Người mất trắng nhà cửa, người bị cuốn trôi tài sản. hoa màu. Khó khăn ấy đang được khắc phục bởi sự chung tay của người dân, các cấp chính quyền, nỗi đau ấy đang được xoa dịu bởi những tấm lòng đồng bào cả nước.

- “Đất đá đổ xuống nhanh lắm, hoảng sợ là cứ thế là chạy thôi, chẳng kịp gọi ai, mạnh ai người ấy chạy. Vơ được mỗi đứa con chạy lên đồi thế thôi.”

- “Có, cháu có muốn về nhà, nhưng mà nhà ngập hết rồi”.

- “Cứ nghĩ là bao nhiêu tiền tài của cải 40 năm trời, chồng làm công nhân 40 năm trời, coi như là trắng hết, mất trắng hết”.

quang_ninh1_xefl_mpka.jpg

Những lời kể, tâm sự của người dân ở tổ 1, 2, 3, 5 khu 4 phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả nghèn nghẹn trong nước mắt. Nhà của họ đã bị chôn vùi tới tận nóc do dòng lũ xỉ than và bùn đen ập xuống từ đêm 26, ngày 27/7. Phần lớn trong số họ chỉ có mỗi bộ quần áo trên người, hốt hoảng băng rừng, ngược đồi ra đường lớn, tạm trú ở trạm y tế, nhà văn hóa phường. Hàng chục người phải sinh hoạt chung trong một phòng, chật chội, bất tiện, nhưng họ biết, mình đã may mắn đã thoát chết.

Nỗi đau, sự lo lắng không chỉ của riêng Mông Dương. Không cần phải nhắc đến con số hơn 2.000 tỷ đồng thiệt hại của Quảng Ninh mới thấy hết được sự khủng khiếp của thiên tai bất ngờ đổ xuống hơn 1 tuần trước. 17 người chết đồng nghĩa với những gia đình tang tóc. 104 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, gần 9000 ngôi nhà khác ngập trong nước là từng ấy hoàn cảnh hoặc không thể trở về nhà, hoặc mất đi nhiều tài sản.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, hàng nghìn gia súc gia cầm bị cuốn trôi đồng nghĩa với kinh tế khó khăn, vỡ nợ thời gian sau này. Hơn 2.000 hộ dân phải di tản. Hơn 4.000 công nhân than mất việc làm vì hầm mỏ ngập lụt, sạt lở, phải tạm ngưng sản xuất.

Nhưng cũng có những con số khiến người ta ấm lòng. Đó là hơn 3.000 người đã tham gia cứu hộ trong những ngày mưa lũ lịch sử. Là người bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, thời gian nghỉ ngơi chỉ tính bằng giờ trong 4, 5 ngày căng thẳng. Là anh công an giao thông trực 3, 4 ngày liên tục ở Đèo Bụt, cảnh báo người dân, phân luồng giao thông.

Là anh bộ đội nhẹ nhàng bế đứa bé Bản Sen di tản, vẫn khóc nức nở trên tay anh. Là người lính hải quân trên xe lội nước đang tiến vào tâm lũ, gương mặt đầy nỗi lo lắng. Là người lính phòng cháy cứu nạn vất vả suốt đêm ở Cao Thắng, nơi 8 người trong một gia đình vùi lấp, lặng người khi thấy dưới lớp đất đá là những cuốn vở, đôi dép, bức ảnh tập thể trong năm học đã qua. Gần 10 giờ đêm, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy, các anh ngồi bệt xuống đất mệt nhoài.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả vừa nghỉ ngơi sau cả buổi vật lộn trong đống bùn đất. Trong dân nhà chị, các anh công an vẫn đang giúp dọn dẹp bùn đất, sửa lại đồ đạc bị hư hỏng.

“Ở đây nhiều người là hộ nghèo, bà già trẻ nhỏ nhiều. Công an đến giúp đỡ là chúng em ở đây cảm thấy rất cảm động. Mặc dù lũ lụt như thế nhưng mà tinh thần động viên như thế, chúng em cũng thấy đỡ đi phần nào”, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Lúc hoạn nạn mới biết lòng người thật đáng quý. Người dân thôn ngoài của Bản Sen, Vân Đồn ngược rừng, lôi suối mang lương thực, nước uống vào cho những hộ dân thôn trong, nơi nước lũ ngập trên 10m. Những người dân mất nhà nương tựa vào nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn. Người khách mệt mỏi sau chuyến tàu hải quân về đất liền sau một tuần trời sóng gió, vẫn trìu mến nói về lòng tốt của người dân đảo.

“Khi biết là đoàn khách không về được thì họ đã giảm giá tiền phòng và phục vụ hết sức nhiệt tình. Biết UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến bà con và khách du lịch thì chúng tôi ở ngoài đảo cảm thấy yên tâm hơn. Cảm thấy thương bà con trong đất liền hơn, ngoài đây chúng tôi không bị lũ lụt như thế”, du khách Cô Tô nói.

Quảng Ninh không hề đơn độc. Chỉ sau những ngày đầu tiên mưa ngập, khi con số thiệt hại cứ tăng theo từng giờ, lời kêu gọi đồng bào cả nước chung tay hỗ trợ người dân đã rất nhanh chóng được đáp lại. Qua Mặt trận tổ quốc tỉnh, gần 60 tỷ đồng cho tới ngày 4/8 là hành động thiết thực trong lúc này. Tiền của có thể đếm được, nhưng tình cảm gửi đến cho người dân Quảng Ninh thì không thể đếm hết. Xe của những đoàn cứu trợ vẫn ngược xuôi dưới cơn mưa tầm tã, mang theo lương thực, nước ngọt, chăn màn, nhu yếu phầm, máy lọc nước cho từng điểm ngập lụt, chia cắt.

Các lãnh đạo của Quảng Ninh “chạy như thoi đưa” từ Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, rồi Ba Chẽ, Uông Bí, Đông Triều, bất cứ nơi nào có nguy cơ, có khả năng ngập lụt, sạt lở, ảnh hưởng tới người dân. Vị Bí thư Tỉnh ủy lên xuồng quân đội vào cứu hộ cho từng nhà dân cô lập với bên ngoài, trao từng gói mỳ tôm. Vị Chủ tịch tỉnh cầm tay người dân mà nói sẽ nhanh chóng bố trí nhà ở, công việc. Vị Phó Chủ tịch Thường trực UBND tới đón những người khách trên đảo trở về, xin lỗi vì họ đã có một chuyến đi không như ý tới Quảng Ninh.

“Trong lúc này mỗi người nhường nhau một ít, bớt câu nói to đi để làm sao tạo được đồng thuận. Nhường chỗ tốt nhất cho bà con làm sao để ổn định sinh sống”, ông Nguyễn Văn Đọc cho biết.

Mưa chưa ngừng, nhưng bớt đi nhiều người dân bị đói, rét, ai bị thương trong mưa lũ được chăm sóc tận tình, miễn phí. Những phương án khắc phục cả tạm thời và lâu dài đã được đưa ra. Anh Cao Tiến Vỹ, người sống sót duy nhất trong vụ sạt lở tại Cao Thắng sẽ có căn nhà mới, được bố trí công việc vừa sức sau khi bình phục. 

Người dân Hà Khánh, Cao Thắng, Bạch Đằng… bị sập nhà hoàn toàn sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng, 20 triệu đồng để sửa nhà hỏng. Nhà nào bị ngập nước sẽ có 2-5 triệu đồng. Người phải đi thuê nhà sẽ có thêm 2 triệu/tháng. 

Người dân Mông Dương bị vùi lấp nhà đang an toàn tại trạm y tế, có ba bữa cơm ấm lòng, chỉ chờ bố trí tạm cư, tái định cư ở nơi ở mới, hoàn toàn do chính quyền xây. Công nhân than mất việc sẽ được bố trí tại các mỏ vẫn còn sản xuất được ở Đông Triều, Uông Bí, vào đội khắc phục sự cố mỏ, chờ Mông Dương hồi sinh. Ở Quảng Ninh, mưa đã có dấu hiệu ngừng, trời đã sáng./.