Công trình Thủy điện Sông Kôn 2 do Công ty Cổ phần Thủy điện Geruco-Sông Công thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư.
Công trình này được xây dựng ở xã Zơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có công suất thiết kế 63MW, sản lượng điện 209 triệu kwh, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009.
Đến năm 2010, chủ đầu tư tự thiết kế bổ sung 4 cánh van lật ở 4 khoang tràn tự do ở thân đập.
Với việc cơi nới thêm thân đập như vậy, dung tích chứa của hồ tăng thêm 1 triệu m3 nước, tăng sản lượng điện thêm 1,8 triệu kwh, doanh thu mỗi năm tăng thêm 10 tỷ đồng.
Hệ thống van lật được lắp đặt thêm đã nâng cao trình cột nước tại thủy điện Sông Côn 2 thêm 1m (Ảnh: Đăng Nam/Tuổi Trẻ) |
Tuy nhiên việc tự ý nâng cao thân đập, tăng mực nước dâng hồ chứa đã gây ngập hàng chục ha hoa màu của hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã: Sông Côn, Zơ Ngây và A Ting, huyện Đông Giang.
Từ năm 2010 đến nay, 160 hộ dân đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ông A Lăng Trước (ở thôn Ngật, xã Zơ Ngây, huyện Đông Giang) bức xúc: “Cứ nước lên hằng năm là đất lở xuống miết. Tôi lên công ty thì họ bảo rằng đó là do thiên tai. Gần đây họ có đi kiểm kê một số đất mà họ bảo để đền bù nhưng vẫn chưa thấy đâu”.
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc lắp đặt bổ sung 4 cánh van lật tại thủy điện Sông Côn 2 đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Sau khi nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại, tố cáo của đồng bào Cơ Tu địa phương, UBND huyện Đông Giang đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, giám định thiệt hại gần 4,5 tỷ đồng.
Chủ đầu tư hứa sẽ đền bù cho dân. Nhưng về lâu dài, việc cơi nới thân đập, tích thêm nước như vậy liệu có bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân hay không?
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nói: “Xét về kết cấu an toàn thân đập, đối với địa phương chúng tôi không đủ khả năng. Chính vì thế, chúng tôi đã báo cáo về tỉnh, mong các cơ quan chức năng thẩm định. Nếu trường hợp không an toàn thì phải có giải pháp”.
Đã 3 năm nay, chính quyền và người dân địa phương luôn sống trong lo sợ tai họa đến bất ngờ. Vậy mà chủ đầu tư vẫn "bình chân như vại".
Ông Phùng Thanh Long - Giám đốc điều hành Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 cho rằng: “Đang thử vận hành và chờ phê duyệt thôi”.
Trong báo cáo gửi các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Thủy điện Geruco-Sông Côn giải thích “Chủ đầu tư đang chờ ý kiến quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam để chính thức đưa van lật vào vận hành”.
Còn ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam thì khẳng định rằng, công trình thủy điện Sông Côn 2, công suất trên 50MW thuộc thẩm quyền Bộ Công thương phê duyệt, vì vậy, chủ đầu tư muốn thay đổi thiết kế phải có sự đồng ý của Bộ Công thương chứ không phải xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Quang Thử khẳng định: Công ty Cổ phần thủy điện Sông Côn 2 đã sai khi tự ý nâng cao trình thân đập.
Rõ ràng, việc tự ý nâng cao thân đập công trình thủy điện Sông Côn 2 là kiểu làm tùy tiện không thể chấp nhận. Nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước sự an toàn của đồng bào sinh sống vùng hạ du?./.