Lũ chồng lũ, bão chồng bão liên tục trút xuống miền Trung khiến nông dân mất trắng toàn bộ tài sản, con vật nuôi, cây trồng.
Đến nay, anh Nguyễn Công Tình, ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tin chỉ sau 1 đêm, mình mất trắng gần 1 tỷ đồng đầu tư nuôi tôm. Trước khi bão số 9 đổ bộ, chính quyền địa phương đã có thông báo đến các gia đình nuôi tôm, cá lồng nên bán sớm để tránh mưa lũ. Các chủ lồng, bè nuôi cá, tôm lập tức gọi thương lái để bán với giá hạ xuống mức thấp nhất nhưng không bán được bao nhiêu. Anh Tình cho biết, lần đầu tiên chứng kiến bão quật mạnh như vậy. Chỉ sau 1 đêm, hơn 50 vạn con tôm cùng máy móc của gia đình anh bị cuốn theo dòng nước. Bao nhiêu tiền của, vốn liếng anh dồn hết vào mấy đầm tôm bị mưa lũ cuốn phăng đi tất cả.
Mấy hôm nay, trời hửng nắng gia đình anh Tình tranh thủ dọn vệ sinh 2 đầm nuôi tôm, vay tiền đầu tư lại: “Mình đã chủ động thu hoạch nhưng do hiện trạng nhiều người thu hoạch tôm đồng loạt nên đến hồ nuôi tôm của nhà mình bán không kịp. Mình cũng mong muốn kiếm được chút tiền để trả vốn nhưng không ngờ bão lớn quá đành chấp nhận. Giờ muốn khôi phục lại cần có sự giúp đỡ của cấp trên, Nhà nước cho vay vốn lại để gây dựng lại như ban đầu”.
Mưa bão vừa qua cuốn trôi 24.000 con gia súc, gia cầm, gần 3.500 héc ta cây lâm nghiệp, cây ăn quả, lúa vụ Đông và rau màu trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng. Trước mưa lũ, các ruộng rau của người dân xanh mướt, hứa hẹn vụ mùa rau Tết bội thu. Thế nhưng, giờ phần lớn diện tích trồng rau chỉ còn những mảnh đất trống, tan hoang. Nhiều hộ lâm cảnh trắng tay sau lũ. Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên cho biết, huyện đang khẩn trương khắc phục thiệt hại về công trình thủy lợi, đất sản xuất bị bồi lấp và xói lở để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.
“Sau bão, Phòng nông nghiệp huyện đã phối hợp UBND các xã kiểm tra tất cả thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cũng như các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: kênh, mương, thuỷ lợi để có biện pháp khắc phục. Hiện, các địa phương cũng kịp thời xử lý, tu sửa những đoạn kênh mương bị sạt, dọn dẹp đồng ruộng bị xói lở, bồi lấp để sắp tới vụ sản xuất Đông Xuân được triển khai thuận lợi”, ông Tường cho biết.
Mưa bão liên tục trút xuống tỉnh Quảng Nam khiến hàng trăm héc ta rau màu, hàng ngàn héc ta cây ăn quả, cây công nghiệp gãy đổ và dập nát, lồng bè thuỷ sản bị hư hại. Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để khôi phục sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các Công ty Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tập trung phương tiện để tiêu, rút nước chống úng cho lúa và cây vụ đông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn nông dân vệ sinh ao đầm, xử lý môi trường nuôi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất ổn định cuộc sống: “Chúng tôi chỉ đạo các địa phương cũng như ngành Nông nghiệp khẩn trương khắc phục kênh mương thuỷ lợi như khi lũ lụt xảy ra có bồi đắp các diện tích nông nghiệp khá lớn hơn cả ngàn héc ta. Thứ hai, vấn đề về cây trồng thì cũng phải chủ động về giống lúa, giống màu. Thứ 3. đề nghị các địa phương chỉ đạo phòng Nông nghiệp tuyên truyền cho bà con chống đỡ cây ăn quả, làm sao để phục hồi nhanh nhất; chủ động chuẩn bị về đất, nước tưới, giống, phân bón để làm sao bắt tay ngay vào vụ lúa của năm 2021 và vụ màu, đảm bảo cây rau cho phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”./.