Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, từ mùng 8/1 (Âm lịch), các trường học tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bắt đầu học trở lại theo lịch chung của toàn tỉnh. Vậy mà gần 1 tháng sau em Hồ Thị Luyến (học sinh lớp 9/2 Trường THCS bán trú cụm xã Trà Mai) mới trở lại lớp học, sau khi được cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà vận động gia đình cho em đến lớp.
Em Luyến bộc bạch: “Vừa qua con có nghỉ học ở nhà giúp cha mẹ hái đót. Tiền bán đót con giúp cha mẹ mua gạo và mua áo quần, sách vở cho con đi học”.
Trường hợp như em Hồ Thị Luyến khá phổ biến ở huyện Nam Trà My. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết 2 tháng đầu năm vào mùa đót nhiều học sinh lại nghỉ học ở nhà hái đót kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Mỗi ngày hái được khoảng 50 - 60 kg đót cũng kiếm được gần 150.000 đồng. Số tiền các em kiếm được trong mùa đót cũng đủ trang trải cho việc học hành cho đến cuối năm học.
Học sinh bỏ học đi hái đót để ổn định cuộc sống gia đình |
Sĩ số học sinh sau Tết giảm nhiều là nỗi lo lắng của các trường học và thầy giáo, cô giáo ở huyện vùng cao.
Không riêng trong mùa đót, tình trạng học sinh bỏ học vào các dịp lễ hội hay vào mùa rẫy cũng khá phổ biến. Hầu như năm nào, vào thời điểm này, giáo viên các điểm trường cũng phải lặn lội đến tận các bản làng vận động học sinh đến lớp.
Cô giáo Trần Thị Thu Liễu cho biết: Mỗi năm học khoảng 3, 4 lần thầy, cô giáo lên từng bản vận động. Để vận động bà con, giáo viên phải đi từ sáng mang theo mì tôm, rượu lên các bản. Buổi tối, già làng tập hợp phụ huynh ngồi uống rượu với già làng với giáo viên rồi mới nói chuyện vận động học sinh trở lại lớp. Còn tại trường, mỗi năm nhà trường mời phụ huynh họp 2 lần. Trong cuộc họp, giáo viên nấu cơm phục vụ cho phụ huynh. Đây là một điều mới mà chỉ có ở các trường miền núi xa mới thực hiện.
Tại huyện Nam Trà My, từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã có gần 800 học sinh bỏ học, chủ yếu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cá biệt một số trường ở vùng sâu, tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 50 - 60%.
Lớp học trống huơ trống hoác |
Ông Nguyễn Trường Sinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Trà My cho biết: Một số địa phương phong tục tập quán còn nặng nề, cứ mỗi lần có lễ hội thì không cho ai ra khỏi làng, nên học sinh bữa học, bữa nghỉ. Vì vậy việc tiếp thu chương trình gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục sẽ yếu kém. “Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cho giáo viên dù học sinh ít cũng phải dạy, sau đó sẽ dạy bù lại cho các em đã vắng, nhưng cũng không thể bù đắp nổi”, ông Sinh cho biết thêm.
Trước tình trạng này, các cấp chính quyền ở huyện Nam Trà My cũng đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt ngành giáo dục và các địa phương vận động phụ huynh cho con em trở lại lớp học.
Năm nào cũng vậy, ngành giáo dục huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng đề ra nhiều giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, thế nhưng hiệu quả chẳng được như mong muốn. Điều này cần sự phối hợp đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền, ngành giáo dục và các đoàn thể thì mới có khả năng từng bước hạn chế tình trạng học sinh bỏ học./.