Cùng với việc khẩn trương tìm kiếm người mất tích, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng tính toán phương án bay trực thăng để cứu hộ, cứu nạn 217 công nhân đang mắc kẹt tại Thủy điện Đăk My 2 và đưa lương thực tiếp tế cho người dân các xã Phước Công, Phước Thanh, Phước Công, huyện Phước Sơn.
Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể vào được xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vì sạt lở nhiều điểm, đường sá, cầu cống bị chia cắt, nước sông suối chảy xiết. Tại xã Phước Lộc đã tìm thấy 5 thi thể trong số 13 người bị vùi lấp.
Hiện nay, đường vào thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn xảy ra hơn 1.000 điểm sạt lở và ách tắc hoàn toàn. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm người mất tích, huyện Phước Sơn khẩn trương tìm phương án tiếp tế lương thực cho người dân các xã Phước Công, Phước Thành và Phước Kim.
Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trước mắt các lực lượng tại chỗ ứng cứu, tìm kiếm người mất tích. Về lương thực, huyện sẽ đưa gạo vào để hỗ trợ người dân, tìm cách tiếp tế cho bà con. Nếu trường hợp không thể đưa hàng bằng đường bộ, huyện đề nghị các đơn vị quân đội hỗ trợ thả hàng bằng trực thăng để cứu trợ người dân, không để ai đói ăn.
Tại cuộc họp bàn phương án tiếp cập hiện trường vụ sạt lở ở Phước Sơn sáng nay (30/10), ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, được phân công chỉ đạo công tác cứu nạn tại đây cho biết, phải khẩn trương tìm kiếm người mất tích và đảm bảo việc ăn ở cho người dân: “Riêng các hộ hiện nay mất nhà ở, không có đất ở huyện phải chỉ đạo các xã tiếp tục bảo đảm lương thực, thực phẩm và nuôi ăn ở cho bà con. Và xã phải xác định vị trí tiếp theo trong thời thời gian đến để bố trí dân cư như thế nào, làm lại ra sao".
Liên quan đến việc 217 công nhân đang mắc kẹt tại Thủy điện Đăk Mi 2, ở xã Phước Công, huyện Phước Sơn, từ hôm qua đến sáng nay, chính quyền huyện Phước Sơn và các lực lượng chức năng đã triển khai tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác qua đường sông Đăk Mi. Hiện tất cả công nhân đều an toàn. Tuy nhiên, việc tiếp cận và đưa các công nhân này ra ngoài rất khó khăn do nhiều điểm sạt lở gây cô lập và nước sông Đăk Mi dâng cao, chảy xiết. Đặc biệt, số công nhân này bị cô lập ở 3 nơi, chỗ tập trung đông nhất là trong đập thuỷ điện với hơn 100 công nhân.
Theo Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, nếu phương án tiếp cận bằng đường bộ không thể thực hiện trong thời gian sớm nhất thì phải tính đến phương án sử dụng máy bay: “Trước hết là khảo sát bằng đường bộ, thành lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, sau đó tiếp tục thành lập tổ tiền trạm để cơ động từ Phước Công và Phước Lộc và thủy điện Đăk My 2. Nếu không tiếp cận được bằng đường bộ thì phải sử dụng bằng đường không nhưng phải đảm bảo an toàn vì địa hình ở Phước Lộc độ dốc rất cao và thời tiết đang sương mù nên rất khó tiếp cận bằng đường không"./.