Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, hàng trăm ngàn người con miền Trung đang sống, làm việc học tập tại đây rơi vào tình cảnh khốn đốn. “Cuộc trở về” ngoài ý muốn chưa từng có tiền lệ đã diễn ra. Những hình ảnh xót xa một lần nữa lại ám ảnh chúng ta, đoàn người từ vùng tâm dịch về quê dài hàng mấy cây số, có cả người già, trẻ sơ sinh, người bị bệnh hiểm nghèo…
Trước tình cảnh này, cũng có địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đón người dân từ các vùng dịch về quê. Tỉnh Quảng Nam là một trong số các địa phương đón người dân về quê sớm nhất và đông nhất tại khu vực miền Trung. Đây cũng là địa phương có số lượng người dân về bằng phương tiện tự do rất ít. Câu chuyện đón dân trở về của tỉnh Quảng Nam giàu tính nhân văn, nhận được sự sẻ chia, góp sức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp là người con Quảng Nam trên khắp mọi miền đất nước.
Chiều tối 4/10, hơn 200 người dân Quảng Nam hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em… và cả những tro cốt của những người không may qua đời do dịch bệnh đã được tỉnh Quảng Nam đón về từ TP.HCM. Toàn bộ chi phí chuyến bay này do một doanh nhân Quảng Nam tại TP.HCM hỗ trợ. Đây không phải chuyến bay đầu tiên đưa người Quảng Nam về quê mà toàn bộ kinh phí đều từ nguồn xã hội hóa.
Ông Trần Công Cảnh, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam- Đà Nẵng tại tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 400 triệu đồng lo chi phí 2 chuyến bay giúp 400 người dân xứ Quảng từ TP.HCM về quê hồi cuối tháng 7. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, người đàn ông quê gốc Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đau đáu nghĩ về quê hương.
Hơn mười tuổi đã phải phiêu dạt vào miền Nam kiếm sống, ông Trần Công Cảnh thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người mưu sinh xa quê. Từ ngày dịch bùng phát, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều chuyến xe đón người dân về quê nhưng khi thấy những người già, phụ nữ có thai, trẻ em đi ôtô, thậm chí đi xe máy hàng trăm km về quê, ông Cảnh lại tìm cách giúp đỡ người dân quê mình.
“Nhiều khi già rồi nằm xuống là cứ nhớ về quê hương mình. Nhớ nơi chôn nhau cắt rốn rồi nhớ những cảnh nghèo khó của quê hương ngày xưa. Anh xuất thân từ gia đình nông dân, từ khó khăn nên thấm thía những điều đó, nên muốn lo 2 chuyến máy bay cho đồng hương mình về quê. Anh em trong đội xung kích của của Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cũng ra tới sân bay để lo các thủ tục. Thấy tội lắm”, ông Cảnh bày tỏ.
Hơn 20 năm sống tại TP.HCM, gần 10 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.HCM, kết nối những người con xứ Quảng xa quê, ông Mai Phúc cho biết, chưa bao giờ ông thấu cảm hai tiếng “đồng hương” sâu sắc, nghĩa tình đồng bào như những ngày này. Ông Mai Phúc đã chứng kiến nhiều người con Quảng Nam vĩnh viễn ra đi trong những ngày TP.HCM căng thẳng, ngột ngạt bởi đại dịch Covid-19 tàn phá nơi này. Ông Phúc tâm sự, chính điều đó càng thôi thúc các thành viên trong ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam phải nỗ lực hơn để có thật nhiều người được về quê an toàn.
“Nhờ sự phối hợp rất tốt của các tổ chức Hội đồng hương, sự tham gia của rất nhiều tình nguyện viên đã tham gia rất nhiều vào công tác tổ chức để giúp đỡ bà con hoặc ở trong này mà khó khăn. Hiện nay, tôi thấy rằng cách làm và cách tổ chức trong này bước đầu vượt qua được những khó khăn. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng vì đây là trách nhiệm và tình cảm của mình đối với bà con, quê hương”, ông Phúc cho hay.
Nhớ lại thời điểm giữa tháng 7, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước chủ động xây dựng kế hoạch đón người dân từ vùng dịch về quê an toàn. Đã có gần 5.000 người dân Quảng Nam tại TP.HCM được đón về quê bằng ô tô và máy bay. Tất cả chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian cách ly tập trung được sử dụng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Bạn Cao Nguyễn Khánh Quỳnh, sinh viên năm 3 trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, là một trong số 66 người dân Tam Kỳ được đón từ TP.HCM trở về quê trong đợt đầu tiên, đã viết thư gửi các cô, chú lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Tam Kỳ.
“Những ngày vừa qua là những ngày thật hạnh phúc và may mắn đối với những bà con trên chuyến xe trở về quê hương… 14 ngày trong khu cách ly tập trung đủ để thấu hiểu, cảm thông, yêu thương giữa 2 chữ “đồng bào”. Các y, bác sỹ, các chú bộ đội đã ở đây luôn sẵn lòng phục vụ. Các chú bảo vệ không quản ngày đêm ngủ ngoài lều trại bất kể ngày nắng chói chang mùa hè. Sống giữa tấm chân tình con thấy tự hào hai chữ quê hương”, Khánh Quỳnh bày tỏ.
Đến thời điểm này, với phương án đón người dân về quê bằng phương tiện ô tô, Quảng Nam đã tổ chức 73 chuyến xe, đón hơn 3.200 người dân. Tất cả phương tiện, chi phí và nhân lực đều do Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) hỗ trợ. Trên mỗi xe bố trí 2 nhân viên lái xe, 1 cán bộ y tế và 1 tình nguyện viên hỗ trợ người dân trong suốt chuyến đi.
Ngoài ra, Thaco cũng hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 100.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 với trị giá 17 tỷ đồng, phục vụ công tác phòng, chống dịch trong quá trình đón người dân về quê. Ông Nguyễn Quang Bảo, Tổng Giám đốc Thaco Auto cho biết, đây là việc làm cần thiết, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người lao động Thaco đối với người dân Quảng Nam trong giai đoạn khó khăn này.
“Chương trình lần này đã được tập huấn và chuẩn bị kỹ lưỡng từ UBND tỉnh Quảng Nam, sở Y tế và Sở Giao thông vận tải. Toàn bộ lái xe đã được tập huấn, kiểm tra nghiệm vụ để đảm bảo việc vận chuyển an toàn nhất. Trên xe đã trang bị các thiết bị an toàn, đặc biệt là khoang dành riêng cho đội ngũ lái xe, đội tình nguyện và nhân viên y tế. Trong xe đã trang bị toàn bộ hệ thống khử khuẩn tự động để đảm bảo không khí trong xe sạch nhất”, ông Bảo cho hay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 32.000 người Quảng Nam đang sống, làm việc, học tập tại TP.HCM. Phần đông xuất thân từ những vùng quê nghèo khó xứ Quảng. Dịch bệnh bùng phát, hàng ngàn người rơi vào tình cảnh đi không được mà ở cũng chẳng xong. Quá nhiều mảnh ghép của khốn khó trong bức tranh u ám của đại dịch.
Trước ngày 23/8, TP.HCM thực hiện chủ trương “ai ở đâu ở yên đó”, tỉnh Quảng Nam đã kịp đưa gần 5000 người dân về quê an toàn. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm với nhân dân và giúp TP.HCM giảm áp lực trong phòng, chống dịch bệnh mà còn là giải pháp giúp Quảng Nam chủ động phòng, chống dịch từ xa nhờ hạn chế số lượng người dân về tự do. Với cách làm bài bản, nhân văn này nên rất ít công dân Quảng Nam trở về quê bằng xe máy.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tỉnh vẫn dang rộng vòng tay đón người dân đang gặp khó khăn tại các vùng dịch về quê an toàn. Theo ông Phan Việt Cường, việc đón người dân trở về quê không chỉ là nghĩa đồng bào, mà còn là tình thương yêu dành cho những người cật ruột của con dân xứ Quảng.
“Bà con nhân dân rất phấn khởi, có vài trường hợp mắc Covid-19, sau khi được Quảng Nam điều trị khỏi họ muốn tiếp tục ở lại gắn bó với quê hương, không vào lại miền Nam. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trên địa bàn để bà con ổn định, an tâm ở lại địa phương”, ông Cường cho biết.
Người Việt thường nói “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau". Quảng Nam dang rông vòng tay đón dân từ vùng dịch trở về an toàn là một chủ trương đầy tính nhân văn, người dân đồng thuận, dư luận xã hội đánh giá cao. Tỉnh Quảng Nam đã làm hết sức mình để giúp đồng bào quê hương đi qua cơn hoạn nạn như một “liều vaccine tinh thần” cùng nhau vượt qua đại dịch./.