Trong nghiên cứu mới có tựa đề “Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Navigos Search thực hiện cho thấy: Phân biệt đối xử theo giới tính vẫn phổ biến trong thực tiễn tuyển dụng trong khối doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu, 1/5 trong số 12.300 quảng cáo tuyển dụng trên 4 cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam (Vietnamworks, JobStreet, CareerBuider, Career Link) trong thời gian từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 có đưa ra yêu cầu về giới tính. Trong số các việc làm đăng tuyển có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới trong khi chỉ có 30% mong muốn ứng viên nữ nộp hồ sơ. 

nu_doanh_nhan_tr_hufq_gtyq.jpgPhụ nữ thường gắn với những công việc có tính chất "nhẹ nhàng" (Ảnh minh họa)

Nam giới thường được nhắm tới cho các công việc mang tính chất chuyên sâu hơn và đòi hỏi kỹ năng cao hơn hoặc các công việc yêu cầu di chuyển nhiều, như kiến trúc sư, lái xe, kỹ sư và công nghệ thông tin. Trong khi đó, phụ nữ thường được yêu cầu cho các công việc mang tính chất hỗ trợ và văn phòng như lễ tân, thư ký, kế toán, nhân sự và hành chính.

Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, cho biết: Quảng cáo tuyển dụng nên tránh đề cập đến giới tính, bởi đó là hình thức trực tiếp của phân biệt đối xử theo giới và “những bức tường vô hình” ấy sẽ dẫn đến sự tập trung về giới theo nghề nghiệp và chức năng công việc. Việc tiếp cận hạn chế của phụ nữ và ngay cả nam giới đối với một số loại hình công việc, coi như họ bị tước đi những cơ hội quan trọng trong thị trường lao động.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành của Navigos Search, nhận định: “Đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ”. Có tới 83% các thông báo tuyển dụng vị trí quản lý có yếu tố giới yêu cầu ứng viên nam. Trong đó, toàn bộ các vị trí giám đốc chỉ dành cho nam giới. 

Theo ông Sziraczki: “Tạo ra một môi trường làm việc nhạy cảm về giới, thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và gia đình, phải trở thành một ưu tiên chính. Điều này sẽ có lợi cho cả người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội – một tình thế có lợi cho tất cả các bên”./.