Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình thừa nhận có sự lãng phí trong việc đầu tư hàng loạt công trình nước sạch nông thôn.

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 42 công trình xây dựng xong bỏ hoang, xuống cấp hư hỏng. Theo ông Khoa, nguyên nhân do các công trình này được bố trí vốn cầm chừng, nhỏ giọt nên không đồng bộ. Các địa phương cũng chưa khảo sát hết nhu cầu sử dụng nước sạch. Người dân không bỏ tiền đấu nối vào công trình để sử dụng nước. Việc thẩm định của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. Công tác quản lý vận hành công trình yếu kém, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, dẫn đến xuống cấp nhanh chóng.

a6_uide.jpg
Không huy động nguồn đóng góp từ người dân để hoàn thành nốt các hạng mục, từ năm 2014 đến nay, công trình nước sạch của xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) vẫn đang nằm “phơi sương”. Ảnh Báo Quảng Bình.

Ông Phan Văn Khoa cho rằng, hầu hết các công trình nước sạch đều giao cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư nên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, còn cấp huyện là chưa kiểm tra giám sát quá trình thi công.

“Trách nhiệm rất rõ đối với các cấp các ngành, đó là cấp xã là cấp chủ đầu tư, chủ quản lý công trình chưa thực hiện đầu tư hoàn thiện. Thứ hai là đối với địa phương cấp huyện chưa giám sát đôn đốc và thậm chí theo quy định của Thông tư 54 phải xây dựng phương án sử dụng khai thác công trình và trình cấp huyện phê duyệt. Tôi nghĩ chưa có công trình nào phê duyệt”, ông Khoa cho hay.

Nhiều người dân ở các vùng khan nước sạch phải lặn lội nhiều cây số để mua nước về dùng. Ảnh Báo Quảng Bình.

Không đồng tình cách lý giải của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Khoa, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho rằng không thể đổ lỗi cho các xã mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có phần trách nhiệm để xảy ra tình trạng này.

“Tôi đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung một nguyên nhân có tính chất bao trùm nhất. Đó là công tác quản lý nhà nước của chúng ta đối với các chương trình nước sạch sinh hoạt nông thôn còn lỏng lẻo, yếu kém. Cơ chế vận hành quản lý không rõ, còn nhiều bất cập. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn báo cáo thêm phương án xử lý các công trình kém hiệu quả như thế nào; Phương án chuyển đổi mô hình vận hành quản lý như thế nào cho phù hợp”, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang gay gắt nói.

Thiếu nước sạch sinh hoạt, những cơn mưa đã trở thành nỗi mong mỏi của người dân Thuận Hóa (Tuyên Hóa). Ảnh Báo Quảng Bình.

Tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình đã chất vấn vụ phá rừng đầu nguồn Khe Si thuộc 2 xã Hóa Hợp và Hóa Tiến, huyện Minh Hóa.

Báo cáo nội dung này, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Minh Hóa tập trung điều tra làm rõ 2 nhóm đối tượng gồm 18 người chặt phá hơn 40 héc ta rừng, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về tội hủy hoại rừng.

Hiện vụ việc tiếp tục được mở rộng điều tra, làm rõ số đối tượng phá rừng và trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng./.