Sáng 4/7, UBND tỉnh Quảng Bình họp bàn việc đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển mà Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

ca_chet_sgap.jpg
Thiệt hại sự cố môi trường biển ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân vùng biển.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 5.400 tàu cá với 75.000 lao động trực tiếp trên các tàu cá và tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản.

Sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt xảy ra từ tháng 4 năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hải sản, đời sống, việc làm và thu nhập của ngư dân các xã vùng biển và người dân sống dựa vào biển.

Theo ngư dân địa phương, tại các ngư trường mà ngư dân tỉnh Quảng Bình đang khai thác, sản lượng giảm từ 40 đến 60%, trong đó một số loài thủy sản gần như tuyệt chủng. Sự cố môi trường biển cũng làm cho hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đình trệ. 

Ngày 3/7, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Bình. Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thống kê số liệu thiệt hại nguyên tắc phải chính xác, đúng luật, công bằng. Hội đồng đánh giá thiệt hại cần đưa ra 1 dãy tiêu chí để thống nhất từ tỉnh đến huyện và các ngành, đồng thời tham khảo thêm 3 tỉnh lân cận. Đánh giá thiệt hại các ngành, lĩnh vực cho đầy đủ, còn sự hỗ trợ của Chính phủ, đền bù của Fomosa chúng ta không biết, đánh giá  đúng, không kê thêm, không để sót”.

Trước mắt, tỉnh Quảng Bình đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trưởng biển, giải quyết khó khăn cho các hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; đồng thời yêu cầu ngành chức năng thường xuyên tiến hành quan trắc chất lượng môi trường biển để thông báo rộng rãi cho người dân./.