Hôm nay (20/3), Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội) phối hợp cùng Viện KAS (Đức) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên số".
Nguồn tin – huyết mạch của hoạt động báo chí
Hội thảo đã tạo được diễn đàn để các nhà khoa học, nhà báo... phân tích về thực tiễn phát triển của nguồn thông tin, các nhà cung cấp thông tin. Trong đó, xác định nguồn tin có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố sống còn của báo chí.
Hội thảo diễn ra tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội (Ảnh Phạm Long) |
Qua hoạt động thực tiễn sinh động, nhiều đại biểu đến từ các hãng thông tấn, cơ quan báo chí trong và ngoài nước, đã giới thiệu nhiều kinh nghiệm quý báu về mô hình dịch vụ tin tức mới, quy trình sản xuất, công nghệ thông tin trong xu thế phát triển báo chí – truyền thông tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của thời đại kỹ thuật số, môi trường truyền thông đối mặt với sự đa nguồn tin, ở đó có nhiều thuận lợi cho hoạt động báo chí, nhưng cũng đặt ra hàng loạt những thách thức.
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội) đánh giá “nguồn tin được coi là huyết mạch của hoạt động báo chí”. Huyết mạch này được tạo thành từ nhiều nguồn, trong đó báo chí có các nguồn tin chính gồm: nhà báo; nhân vật, nhân chứng; các văn bản; công chúng. Dù bằng nguồn tin nào thì “việc tạo dựng, nuôi dưỡng, phát triển để khai thác nguồn tin luôn là một trong những nhiệm vụ mà bất cứ nhà báo hay tòa soạn báo nào cũng phải lưu tâm. Việc quản trị nguồn tin của báo chí trở thành vấn đề bức thiết với các tòa soạn báo”.
Và theo TS Huyền, “mọi nguồn tin đều phải được kiểm chứng trước khi dùng. Điều này nhằm đảm bảo sự an toàn của thông tin, vừa nhằm bảo về uy tín cho nhà báo, cơ quan báo chí...”.
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, vấn đề quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên số được đặt ra thời điểm này rất nóng bỏng, vừa khoa học vừa thời sự. Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý liên quan đến báo chí và truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn đánh giá: Nếu có nguồn tin tốt, bảo đảm thì thông tin trên báo chí sẽ tốt, bảo đảm. Ngược lại, nếu nguồn tin có vấn đề, thì thông tin trên báo chí cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. “Hiện nay, trong kỷ nguyên số, vấn đề quản trị nguồn tin càng trở nên quan trọng. Nếu cơ quan báo chí truyền thông không quan tâm vấn đề này, chắc chắn sẽ phải trả giá trong thực tiễn hoạt động báo chí”- ông Doãn nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, ông Doãn cũng lưu ý rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là “trách nhiệm và nghĩa vụ thẩm tra nguồn tin của nhà báo, cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí không có cơ chế để xác minh, kiểm tra nguồn tin, rất dễ mắc sai phạm”.
Nhiều nhà khoa học, nhà báo cũng đồng quan điểm rằng, trong thời đại thông tin internet bùng nổ hiện nay, có thể nói, mỗi người dân đều có thể trở thành một “nhà báo”. Do đó, thách thức của báo chí truyền thông rất lớn. Bởi nếu những thông tin phát sinh trong cuộc sống mà báo chí không đưa thì nó cũng được đưa trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cùng với quản trị tốt nguồn tin, đảm bảo thông tin an toàn, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan báo chí truyền thông cần đổi mới phương thức cung cấp thông tin. Nhưng việc này cần một quá trình, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Nhiều thách thức quản trị nguồn tin
Thực tế hoạt động báo chí hiện nay cho thấy, việc quản trị nguồn tin báo chí còn rất nhiều khó khăn. Theo ông Đỗ Quý Doãn, một phần nguyên nhân là do có quy định luật pháp rõ ràng về quy chế cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng “nhiều cơ quan còn tránh né báo chí, thậm chí có tình trạng xua đuổi, hăm dọa báo chí khi tiếp cận nguồn tin”.
Hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, nhà báo, phóng viên, sinh viên báo chí tham gia hội thảo (Ảnh Phạm Long) |
PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV), qua khảo sát hoạt động cung cấp thông tin phát thanh của Viettel radio, chỉ ra rằng, đây là hình thức truyền thông mới, nhưng chưa có luật nào quy định radio mobile là báo chí. Cho nên, đây là một ví dụ cụ thể cho thấy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng thông tin và nguy cơ, rủi ro lớn trong hoạt động truyền bá thông tin.
Còn TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), qua phân tích cụ thể về những điểm nóng thời sự (đặc biệt là thời sự quốc tế) và nguồn tin cho báo chí, đã chỉ ra rằng, hiện nay, hoạt động báo chí Việt Nam còn nhiều vấn đề cần bàn luận về cách xử lý nguồn tin.
Theo TS Tuấn, chất lượng thông tin, bình luận trên báo chí đang phải đối mặt với những thách thức về: trình độ người đưa tin và người nhận tin; xu hướng đọc tin không chính thống; tính phi quốc gia tăng, nhân tố quốc gia, ý thức hệ giảm; tình trạng nhiễu thông tin; bảo vệ lợi ích quốc gia; và có sự chi phối thông tin của phương Tây. Cho nên, khi tiếp cận nguồn tin, các nhà báo cần tỉnh táo, và có sự tìm hiểu để am hiểu vấn đề mình sẽ thông tin, từ đó có thể chọn lọc và đưa ra thông tin tốt nhất cho độc giả của mình.
Nhà báo Trần Ngọc Hà (Báo Pháp luật Việt Nam) thì nhìn nhận việc nhà báo tiếp cận thông tin từ mạng xã hội hiện như “con dao hai lưỡi”. Nếu nhà báo lệ thuộc vào nguồn tin từ mạng xã hội, rất dễ bị “sập bẫy” dẫn lại các nguồn tin sai sự thật, dẫn đến sai lầm khi định hướng dư luận xã hội; nhà báo có thể bị “lười hóa” trong việc thâm nhập thực tế.../.