Sáng nay (5/3), Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM về tình hình thi hành Luật Báo chí trên địa bàn thành phố.

img_2578.jpg

TP HCM  hiện có 39 cơ quan báo chí, trong đó có 16 báo in và 21 tạp chí, 137 văn phòng đại diện báo chí Trung ương và các địa phương khác. Nhìn chung tình hình thi hành Luật Báo chí luôn được các đơn vị chấp hành nghiêm túc. Trên cơ sở điểm tin mỗi ngày, những thông tin không phù hợp, nhạy cảm được Sở Thông tin Truyền thông thành phố lưu ý gỡ bỏ hoặc có biện pháp chỉnh lý. Ngoài ra, hằng tuần, Sở cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo chủ trì giao ban báo chí để động viên tin bài tốt và lưu ý những tin bài có dấu hiệu vi phạm quy định, đảm bảo cho báo chí thành phố hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ mục đích.

Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc quy hoạch mạng lưới báo chí, mô hình tổ chức báo chí, mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và một số bất cập trong quản lý đội ngũ cộng tác viên báo chí, thực hiện quy chế phát ngôn, dung lượng, giá quảng cáo trên báo, đài và quản lý nội dung các ấn phẩm phụ của các báo… Theo Sở Thông tin Truyền thông thành phố, hiện nay một số ấn phẩm phụ thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, đăng tin bài có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoạn, mô tả tỉ mỉ vụ án, tuy nhiên do đây là báo chí Trung ương nên Sở không có thẩm quyền xử lý.

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông thành phố kiến nghị: Do số lượng quá lớn nên chờ Thanh tra Bộ thì xử lý không kịp thời và tác hại của những loại hình “báo lá cải” rất nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, đề xuất phải ban hành một quy chế ủy quyền cho Sở Thông tin truyền thông các tỉnh, thành phố xử lý những vi phạm này. Thanh tra Bộ ủy quyền trong những trường hợp nào phải nêu rõ thành văn bản để chúng tôi làm ngay./.