Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại có ý kiến yêu cầu xét xử nghiêm vụ án 5 công an dùng nhục hình khiến anh Ngô Thanh Kiều ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên thiệt mạng. Một vụ án nếu chỉ dẫn chiếu theo cáo trạng cũng đã thấy rõ những vi phạm, nhưng tội danh và khung hình phạt mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên áp dụng đối với các bị cáo đã khiến người nhà nạn nhân phẫn nộ, các chuyên gia pháp luật không đồng tình, dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Cái chết của nạn nhân do những người thực thi pháp luật gây ra đã để lại nỗi đau cho những người thân trong gia đình. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong phiên tòa này cần được làm rõ, làm sáng tỏ về sự công bằng của công lý. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV với Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Phải truy cứu 5 cán bộ công an tội giết người mới chính xác

nhuchinh.jpg
Phiên tòa xét xử 5 cán bộ công an

PV: Thưa luật sư, chắc hẳn ông có quan tâm đến vụ án này, ông có bình luận gì?

Luật sư Trần Đình Triển: Khoảng cuối tháng 5/2012, tôi nhận được bức thư của chị Trần Thị Tâm - vợ anh Ngô Thanh Kiều gửi cho Văn phòng luật sư Vì Dân và cho bản thân tôi, thể hiện sự đau khổ tột cùng sau vụ việc này. Tôi đã hai, ba lần gọi điện thoại cho gia đình anh Kiều và nói rằng diễn biến của vụ việc cho thấy có dấu hiệu của sự giết người và bắt người trái pháp luật. Do đường sá xa xôi, cộng với hoàn cảnh gia đình nạn nhân rất khó khăn, tôi chỉ hướng dẫn họ trên điện thoại về thủ tục làm đơn gửi đi các nơi, đồng thời đề nghị gia đình mời một luật sư tại Tuy Hòa để họ không phải mất tiền ăn ở đi lại và có thời gian để giúp đỡ gia đình.

Vụ việc xảy ra là một sự đau lòng, bởi nó xảy ra tại cơ quan bảo vệ pháp luật, thực thi pháp luật dẫn đến hậu quả đau lòng, buộc gia đình nạn nhân phải lên tiếng kêu cứu. Vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận và được các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng đến khi xét xử không đúng người, đúng tội và để lọt tội phạm. Sự việc này đang thu hút sự theo dõi của dư luận cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dù rất nhiều việc đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án này.

PV: Luật sư có thể phân tích kỹ về những dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội trong vụ án này?

Luật sư Trần Đình Triển: Bản án sơ thẩm chỉ xử 5 cán bộ công an vi phạm pháp luật ở điều 298 tội dùng nhục hình. Tôi cho rằng việc xét xử này là không đúng. Tôi đồng tình với quan điểm của ông Lê Thúc Anh, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thành viên trong Ủy ban Cải cách tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trả lời báo chí đó là trong vụ án này vừa bỏ lọt tội, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng với 5 cán bộ công an sử dụng dùi cui điện để đánh nạn nhân. Dùi cui điện là loại vũ khí phòng vệ, các cán bộ công an này phải hiểu rất rõ rằng, việc dùng loại vũ khí đó đánh gây thương tích cho nạn nhân với 70 vết thương, trong đó có cả vết thương ở vùng đầu, hoàn toàn có thể gây chết người. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với 5 cán bộ công an này tội dùng nhục hình ở điều 298 là không chuẩn xác, mà ở đây đã có dấu hiệu, căn cứ cần phải truy tố và xử lý theo điều 93 đó là tội giết người.

Chi tiết thứ hai liên quan đến lãnh đạo công an thành phố Tuy Hòa, ông Lê Đức Hoàn, người đã chỉ đạo bắt giam anh Ngô Thanh Kiều nhưng không hề có một lệnh bắt giữ nào cả, điều đó đã vi phạm nghiêm trọng điều 20 của Hiến pháp mọi người có quyền bất khả xâm phạm thân thể được pháp luật bảo vệ không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân hoặc viện kiểm sát nhân dân trừ trường hợp phạm pháp quả tang.

Luật sư Trần Đình Triển (Ảnh: VTC)

Trong trường hợp của anh Kiều, giả dụ anh này có vi phạm, thì vụ việc xảy ra  ngày 12 mà đến tối 13 cơ quan công an mới tiến hành bắt giữ, ở đây tính chất quả tang không còn nữa, do đó phải bắt người theo trình tự bình thường, phải có quyết định bắt và được Viện Kiểm sát phê chuẩn. Nhưng khi công an đến nhà bắt anh Kiều không hề có lệnh bắt giữ nào. Từ những diễn biến trên cho thấy có đủ căn cứ để xử lý ông Lê Đức Hoàn. Trên cương vị Phó trưởng Công an thành phố Tuy Hòa, việc ông Hoàn chỉ đạo bắt người như vậy là vi phạm điều 123 tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật. Ông Lê Đức Hoàn cần phải được, và phải được truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 123 tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Thực tế, toàn bộ vụ án này lại bỏ ông Lê Đức Hoàn ngoài vòng pháp luật. Vấn đề này dẫn tới bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét xem ông Lê Đức Hoàn có biết việc 5 cán bộ công an dùng nhục hình đánh anh Kiều hay không? Nếu ông Lê Đức Hoàn có biết, cũng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hoàn với những tội danh như 5 công an kia, với vai trò nặng hơn, đó là vai trò tổ chức.

PV: Rõ ràng việc truy tố 5 bị cáo về tội dùng nhục hình là không thuyết phục và việc bỏ qua vai trò của ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Tòa án Nhân dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từng trả hồ sơ đề nghị truy tố 5 bị cáo về tội cố ý gây thương tích nhưng vì Viện Kiểm sát Nhân dân không đồng ý nên Tòa không xử tội này. Theo Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa có dấu hiệu phạm các tội bắt giữ người trái pháp luật và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đề nghị của luật sư yêu cầu Tòa án khởi tố đã không được quan tâm. Theo ông, vấn đề này nói lên điều gì trong quá trình tiến hành tố tụng?

Luật sư Trần Đình Triển: Cán bộ trong khối tư pháp vi phạm pháp luật nằm trong Pháp lệnh Điều tra hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Do đó trong kết luận điều tra đến cáo trạng là từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ủy nhiệm cho Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương giữ quyền công tố và tòa án địa phương xét xử .

Tôi thông cảm cho Viện Kiểm sát và Tòa án ở địa phương vì họ phải xét xử theo cáo trạng của các đơn vị chức năng thuộc Cục Điều tra hình sự và Vụ 1 Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra cáo trạng. Họ là cấp dưới  họ có giám bác cáo trạng và kết luận điều tra của cơ quan cấp trên hay không. Chúng ta phải nhìn thấy điều đó, tuy nhiên trong sự việc này, tòa án cũng đã có lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng vấn đề ở đây là trả cho ai.

Tôi cho rằng truy tố họ về tội cố ý gây thương tích cũng không đúng mà phải là tội giết người. Một vấn đề nữa là tòa đã không làm tròn trách nhiệm. Trong tố tụng quy định tòa xét thấy có những hành vi , dấu hiệu của tội phạm thì tòa có quyền ra quyết định khởi tố vụ án nhưng trong trường hợp này luật sư cũng như hồ sơ tài liệu đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Lê Đức Hoàn đã chỉ đạo bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng tòa án trong bản án sơ thẩm không ra quyết định khởi tố đối với trường hợp này thì đây lại là trách nhiệm của tòa án nhân dân địa phương.

PV: Trả lời phỏng vấn báo chí, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Tuy Hòa đã nói rằng “Viện Kiểm sát Nhân dân không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của Viện Kiểm sát chứ chuyện gì phải căng thẳng, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra phải làm như thế này nhưng không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ tốt”. Thưa luật sư, ông có bình luận gì về điều này, phải chăng đây chính là một phần nguyên nhân khiến cán cân công lý bị nghiêng đi?

Luật sư Trần Đình Triển: Trong vụ việc này, thẩm phán có nêu tòa chỉ xử trên nguyên tắc cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra và không muốn xung đột hay mất lòng nhau trong hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi cho đây là một thực tế.

Trước hết về pháp luật, đúng là trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa án chỉ xét xử những vấn đề được cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố. Trong vụ việc này, cáo trạng và kết luận điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cấp dưới có chống được cấp trên hay không. Một vấn đề nữa, pháp luật của ta quy định Tòa án độc lập, Viện Kiểm sát độc lập, Cơ quan điều tra cũng độc lập, Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đồng thời giữ quyền kiểm tra, kiểm soát quá trình điều tra, xét xử và thi hành án, nhưng vai trò đó nhiều khi trở thành đồng nhất giữa 3 cơ quan. Một vụ việc xảy ra họ họp với nhau, bàn với nhau, đưa ra ý kiến thống nhất với nhau do đó khi một ý kiến của một cơ quan nào đó, ví như cơ quan điều tra, tòa không muốn làm mất lòng cơ quan điều tra, viện kiểm sát không muốn làm mất lòng cơ quan điều tra và tòa không muốn mất lòng viện kiểm sát , bản thân họ là những cơ quan thực thi pháp luật trên một địa bàn, họ không muốn xảy ra xung đột. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hậu quả rất nghiêm trọng  xảy ra nhiều vụ án oan sai.

Bức cung, dùng nhục hình đang trở thành vấn đề thời sự

PV: Vụ án 5 công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình đánh chết người không phải là cá biệt, trước đó cũng đã xảy ra một số vụ. Một số vụ dùng nhục hình xảy ra gần đây như vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; vụ 8 công dân bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp cổ vật trong nhiều đình chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và vụ bắt oan 7 thanh niên tại tỉnh Sóc Trăng với cáo buộc giết ông Hoàng Văn Dũng đều có căn nguyên từ việc dùng nhục hình. Thưa luật sư, việc dùng nhục hình để lấy lời khai của đối tượng nghi vấn bị phạm tội có phải là biện pháp được phép sử dụng trong nghiệp vụ điều tra hay không?

Luật sư Trần Đình Triển: Đây là vấn đề bức xúc và có tính thời sự. Tôi nghĩ rằng  các cơ quan Đảng, Nhà nước tham gia vào công tác cải cách tư pháp và phòng chống tội phạm cũng như để nâng cao vai trò quyền của công dân là vấn đề cần phải xem xét, cần phải giải quyết ngay.

Về nguyên tắc, được thể hiện trong Điều 6 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình nhưng thực tế, có lẽ hỏi rất nhiều luật sư đã từng tham gia tố tụng, hầu như ở các phiên tòa, các bị cáo bao giờ cũng nói rằng tôi ghi lời khai như thế này là vì điều tra viên ép buộc hoặc dọa nạt buộc tôi phải viết như vậy.

Trong các lời khai, bao giờ phía dưới cũng có câu tôi đã được đọc lại, công nhận là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tòa chỉ căn cứ vào câu đó và nếu anh nói rằng anh bị bức cung, nhục hình thì phải có bằng chứng, bằng chứng ở đâu ra khi người ta bị bắt ngồi trong 4 bức tường cùng điều tra viên và tại trụ sở cơ quan điều tra hay nhà tạm giam, tạm giữ của cơ quan công an lấy đâu ra bằng chứng để đưa ra việc này.

Từ những trường hợp hậu quả xảy ra, có trường hợp bị đánh phải đưa đi bệnh viện hay có trường hợp bị chết, người nhà nạn nhân thường được câu trả lời tử vong do tự sát, do phạm nhân tự gây ra . Tôi cho rằng việc bức cung, mớm cung, nhục hình trở thành bằng chứng để họ có thể kết luận vụ án cho nhanh, trong quy định của pháp luật cho rằng lời khai của bị can, bị cáo và tất cả các lời khai khác chỉ được coi là chứng cứ khi phù hợp với những chứng cứ khách quan khác. Ở đây cơ quan điều tra không điều tra những chứng cứ khác, ví dụ thu thập chứng cứ, lời khai, hiện trường hay những vật chứng chứng minh hành vi phạm tội mà hầu như nhiều vụ án được căn cứ bởi lời khai của bị can, bị cáo trong khi đó khi ra tòa họ đã khai tôi bị bức cung; còn những chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của họ không có mà chỉ căn cứ vào lời khai.

Sẽ cho phép bị can, bị cáo giữ quyền im lặng

PV: Bạn Nguyễn Văn Tuệ, sinh viên Đại học Bách khoa nêu câu hỏi: cán bộ điều tra trong quá trình xét hỏi nghi can im lặng thường bị quy kết là kẻ phạm tội ngoan cố nên dẫn đến hậu quả đau lòng nhưng theo pháp luật của nhiều nước, sự im lặng của bị can, bị cáo cũng là một cách bào chữa tốt nhất; nghi can được sử dụng quyền im lặng cho đến khi có luật sư tới. Vậy pháp luật tố tụng ở Việt Nam có quy định về điều này không?

Luật sư Trần Đình Triển: Câu hỏi của bạn là nội dung chúng tôi đang đề nghị bổ sung khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới đây. Theo đó các bị can, bị cáo có quyền im lặng khi luật sư của họ chưa tới.

Luật tố tụng của ta quy định trong trường hợp bị tạm giữ, trong 24 giờ đầu nếu họ mời luật sư, thì phải cấp chứng nhận bào chữa cho luật sư; khi họ bị bắt, trong thời hạn bị bắt giam, trong thời hạn 3 ngày, nếu họ mời luật sự thì phải cấp chứng nhận, nếu không cấp phải trả lời luật sư; luật sư được quyền biết lịch xét hỏi của cơ quan điều tra của cán bộ điều tra với bị can, bị cáo của mình để bố trí thời gian cùng tham gia xét hỏi.

Nhưng trong thực tế, hầu như những nguyên tắc này không được áp dụng. Trong tố tụng phải đưa vào nguyên tắc bị can, bị cáo được quyền im lặng và bản cung đầu tiên có lẽ cũng phải quy định đối với bất cứ trường hợp nào bị bắt tạm giam tạm giữ thì phải có giám sát của người thân, có luật sư để tránh trường hợp ngay từ đầu đã bị bức cung.

PV: Theo ông, việc bảo vệ quyền lợi những nghi can trong quá trình điều tra vai trò của luật sư và kiểm sát viên, kiểm sát hoạt động tư pháp đã được nhìn nhận đúng mức hay chưa?

Luật sư Trần Đình Triển: Về luật pháp, không có gì sơ hở, tức là đặt ra vấn đề của Viện Kiểm sát giữ quyền giám sát kiểm sát trong quá trình điều tra để thực thi đúng pháp luật. Nếu phát hiện sai phải có ý kiến ngay nhưng rất ít trường hợp xảy ra. Tôi cảm nhận Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân và Công an là một, do đó tính độc lập không có.

Còn vai trò của luật sư, nếu trong giai đoạn điều tra, với tư cách Phó Chủ nhiệm phụ trách Ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, hàng ngày tôi nhận được đơn thư của các luật sự tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra phản ánh họ bị cản trở như thế nào, thậm chí luật sư còn bị đe dọa. Về phương diện luật pháp đã quy định rõ, luật sư được quyền tham gia đưa ra câu hỏi được sự đồng ý của điều tra để tiến hành xét hỏi được dự các buổi xét hỏi đó, nhưng hầu như không bao giờ luật sư nhận được lịch của cơ quan điều tra do đó việc họ vào hỏi cung lúc nào luật sư không biết; Luật sư cứ hẹn, rồi phải chờ, đến lúc kết thúc điều tra luật sư được nhận một văn bản gọi là kết luận điều tra.

Nguyên tắc luật pháp bất vị thân có những lúc bị vô hiệu?

PV: Trở lại vụ an 5 công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình đánh chết người, khiến nhiều chuyên gia pháp lý nhắc đến nguyên tắc luật pháp bất vị thân trong nhà nước pháp quyền. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề nguyên tắc này và theo ông chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề gì trong quá trình tố tụng để nguyên tắc đó được chấp hành nghiêm trong tất cả các vụ án?

Luật sư Trần Đình Triển: Nguyên tắc luật pháp bất vị thân là một nguyên tắc cổ có từ khi hình thành nhà nước, được áp dụng từ trước công nguyên, những nhà tư tưởng về pháp luật về quản lý nhà nước cũng đã đưa ra. Nhà nước ta cũng đã đưa ra những nguyên tắc này ở Hiến pháp 1992, điều 2 nêu rõ Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Điều 16 của Hiến pháp quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật có nghĩa đó là nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội công dân, pháp luật là tối thượng, bất kỳ ai cũng đều được đảm bảo bình đẳng trước pháp luật, mọi sự can thiệp của mọi tổ chức, cá nhân dù họ ở cương vị nào cũng đều phải xử lý nghiêm minh và nghiêm cấm việc can thiệp vào. Đấy là nguyên tắc luật pháp bất vị thân.

Nhưng trong thực tiễn hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc này có những lúc bị vô hiệu. Cùng tính chất vụ việc như nhau nhưng ở nơi này thì khởi tố, nơi kia chỉ xử lý hành chính hoặc cho rằng không có tội. Đó là kết quả của việc không áp dụng đầy đủ nguyên tắc luật pháp bất vị thân.

Hình ảnh 2 đứa trẻ con nạn nhân Ngô Thanh Kiều có mặt trong phiên tòa xét xử 5 công an dùng nhục hình khiến mọi người không khỏi xót xa. Xót xa vì các cháu còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau mất cha, quá nhỏ để hiểu những gì đang diễn ra tại phiên tòa và có những lo ngại rất thực tế của người lớn rằng nếu tinh thần thượng tôn pháp luật không được chính những người thực thi pháp luật chấp hành nghiêm, một ngày nào đó, niềm tin vào công lý sẽ không còn và vô hình chung tạo điều kiện để tình trạng nhờn luật có đất sống./.