Kỳ thi tay nghề quốc gia 2016 diễn ra từ ngày 23 - 30/5 tại 5 hội đồng thi, (trong đó 3 hội đồng thi tại Hà Nội, 1 ở Hà Nam và 1 ở Huế). Kỳ thi thu hút 488 thí sinh thuộc 58 đoàn tham dự, trong đó có 6 Bộ, ngành, 3 tập đoàn và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự thi 25 nghề.

Kết quả, có 65 thí sinh đạt giải nhất, 24 thí sinh đạt giải nhì, 57 thí sinh đạt giải ba, 221 thí sinh đạt giải khuyến khích. Qua Kỳ thi tay nghề quốc gia sẽ lựa chọn thí sinh đạt giải cao tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 11 năm 2016 tại Malaysia hướng tới Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi-Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

ptt02_rokb.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi lễ.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Kỳ thi này là một ngày hội ý nghĩa, nơi những người học nghề, lao động trẻ cả nước cùng chia sẻ, thắt chặt tình đoàn kết và hướng tới mục đích nâng cao kỹ năng cho người lao động, thúc đẩy dạy nghề phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đây cũng là cơ hội để lĩnh vực dạy nghề trong cả nước cọ sát, học hỏi, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thúc đẩy phong trào dạy và học nghề, tìm ra những mô hình đào tạo, rèn luyện hiện đại, hiệu quả cho lao động có tay nghề cao, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020.

Đó là “Nâng cao chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TTP không chỉ đưa đến cơ hội mà còn tạo ra nhiều thách thức đối với lực lượng lao đông Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao bằng khen cho các thí sinh đạt giải nhất.

Yêu cầu, đòi hỏi phải nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề ngày càng trở nên cấp bách. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Tôi tin tưởng thành công của Kỳ thi sẽ tiếp tục lan tỏa và ảnh hưởng không chỉ đến phong trào học, dạy nghề trên cả nước mà còn đối với cả công cuộc phát triển nhân lực quốc gia. Nhân dịp này, thay mặt Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi biểu dương các thí sinh đạt giải cao trong ký thi và hy vọng, tin tưởng rằng với kỹ năng, tay nghề đã có, các thí sinh sẽ nỗ lực rèn luyện tích lũy kinh nghiệm. Qua đây, chúng ta có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng để hội  nhập vào thị trường lao động trong khu vực và quốc tế”.

Thí sinh Đỗ Văn Tiến, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, giải nhất nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin cho biết rất vui mừng với thành tích đạt được.

Bằng niềm đam mê nghề đã chọn, Tiến tin tưởng sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tích trong học tập cũng như tiếp tục tham gia các kỳ thi khác nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề và tích lũy kiến thức cho công việc sau khi ra trường: “Em nghĩ rằng các bạn học sinh, sinh viên cũng nên tham gia vào cuộc thi nào đó để thử sức mình để được cọ sát với các chuyên gia, các thí sinh, học hỏi những kiến thức mới, con đường tương lai sẽ mở rộng. Nếu các bạn có được đam mê và sở thích của mình thì các bạn nên phấn đấu với đam mê và sở thích đó, cố gắng có được mục tiêu, mục đích cụ thể”.

Kỳ thi tay nghề quốc gia nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao của quốc gia, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện tay nghề, thi thợ giỏi ở các cấp, các ngành; khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, tạo nguồn bồi dưỡng lao động có tay nghề cao./.