Sáng 18/3, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay, việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam "có vấn đề". Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Vì vậy, cần thiết phải có sự đổi mới. Các đại biểu cần làm rõ vấn đề nào là của các trường, của Bộ ngành, vấn đề nào của Chính phủ.

ong_dam_nfjr.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị đánh giá kết quả thực hiện việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, đến nay có 13  trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Tuy nhiên, hầu hết các trường được phê duyệt đề án trong năm 2015 nên thời gian thực hiện còn ngắn, chưa đánh giá được đầy đủ các mặt tích cực và hạn chế của cơ chế này. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng. Đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra 11 kiến nghị liên quan đến việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đại diện các Bộ, ngành liên quan đã trả lời trực tiếp các kiến nghị.

Các đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về quản lý tài chính của các đớn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện giống như doanh nghiệp nhà nước; cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: "Đến Thông tư số 27 ngày 30/12/2015 đã hướng dẫn khoán toàn bộ theo đúng Luật Khoa học công nghệ mới. Điều này có nghĩa là khi dự toán của các nhà khoa học đã được lập thì các nhà khoa học sẽ được toàn quyền sử dụng dự toán đó để thực hiện các sản phẩm công nghệ gắn với sản phẩm cuối cùng. Tức là dự toán đó các nhà khoa học có thể thực hiện chuyển đổi giữa các nội dung mục đích chi nhưng có thể đạt được sản phẩm cuối cùng./.