Trận mưa lũ vừa qua, tại tỉnh Phú Yên đã có 7 người chết, 1 người mất tích, gần 190 gia súc bị lũ cuốn trôi. Theo nhận định của lãnh đạo địa phương, không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan chức năng vẫn còn chủ quan, chưa chủ động ứng phó với lũ, lụt.

phu_yen_tbfj.jpg
Cầu La Hai mới (huyện Đồng Xuân) bị nước lũ gây hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: VnExpress)
Thống kê ban đầu, đợt mưa lũ mấy ngày qua tỉnh Phú Yên có đến 137 thôn, khu phố của 46 xã, phường bị ngập nặng. Ngay tại thành phố Tuy Hòa có nơi ngập sâu đến 1,5 m. Lực lượng chức năng đã phải di dời hơn 17.000 người đến nơi cao ráo an toàn. Nước lũ làm gần 10.000 nhà bị ngập, trong đó có 4 nhà bị sập hoàn toàn, gần 190 con bò, heo, dê bị chết do lũ.

Tại cuộc họp của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, có ý kiến cho rằng, tuy có phương tiện cứu hộ nhưng không đáp ứng yêu cầu. Đó là trường hợp 4 ngư dân trên tàu cá PY 90151 trôi ra cửa sông Đà Rằng nhưng lại không có phương tiện ứng cứu kịp thời.

Mấy năm nay, tỉnh Phú Yên ít xảy ra bão, lũ nên người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác. Tại huyện Tây Hòa, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường, nước sông Ba lên nhanh, một số người dân nuôi bò giữa sông vẫn không vào bờ. Lực lượng chức năng vận động người dân vẫn không nghe. Đại tá Lương Tấn Dĩnh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho rằng, không ít người dân chưa chủ động đối phó với mưa lũ.

“Chính quyền cũng rất cương quyết yêu cầu người dân cảnh giác với mưa lũ, nhiều trường hợp chính quyền phải đến tận nơi vận động nhưng dân vẫn không chấp hành. Hầu hết những trường hợp như vậy sau lại đi kêu cứu. Bên cạnh đó, việc thực hiện “bốn tại chỗ” không nghiêm túc. Huyện Đồng Xuân có 2 cây xăng, nhưng khi mất điện, xăng không có. Ca nô không có xăng không chạy được”, Đại tá Lương Tấn Dĩnh cho biết thêm.

Trận lũ vừa qua, tỉnh Phú Yên mới chỉ có lũ, lụt chưa có bão nhưng đã thiệt hại nặng nề, nhiều người thiệt mạng. Cá biệt có địa phương, đơn vị thông tin về mưa, lũ chưa đầy đủ, thậm chí lơ là. Ngay tại thành phố Tuy Hòa, đơn vị nạo vét sông Ba cũng không biết thông tin xả lũ, không di dời thiết bị, khiến sà lan bị cuốn trôi. Về phương tiện, tỉnh Phú Yên chưa có xuồng cao su, chỉ có xuồng vỏ nhôm nên khó khăn trong luồn lách tại các làng, xóm để cứu nạn.

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Xuân nhấn mạnh, người dân ở khu vực miền núi, sau lũ cần phải cảnh giác cao, đặc biệt những nơi giao thông bị ngập, tuyệt đối cấm người đi qua lại; học sinh đi học thì thầy cô giáo, gia đình, phụ huynh phải đưa đón. Cần phải cảnh báo bà con không vớt củi trên sông, khu vực nước xoáy, để hạn chế tai nạn xảy ra.

Tỉnh Phú Yên đang tập trung công tác cứu trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, phải rút kinh nghiệm nghiêm túc trong việc chủ động phòng tránh lũ.

Nhiều cá nhân, ngay cả trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của thành phố vẫn còn chủ quan; người dân không chủ động. Bên cạnh đó, cần chủ động đề xuất mua sắm các trang thiết bị phòng chống lụt bão, nếu trung ương khó thì tỉnh xử lý, không phải là không thể sắm nổi. Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão phải chủ động đề xuất./.