Có những con người, cả một đời họ không nề hà trước những khó khăn, để làm được những việc tốt, giành những sự tốt đẹp nhất cho người khác, trong khi ngay chính bản thân họ cũng là một số phận kém may mắn.

Vết chân tròn trên bước đường đời

Sáng 10/7/2012, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi đại học năm nay, rất đông thí sinh và người nhà đã tập trung trước cổng trường ĐH Quảng Nam để đón nhận những suất cơm chay miễn phí của Hội Phật giáo TP Tam Kỳ, Quảng Nam.

Trong số những tình nguyện viên đứng giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa miền Trung đổ lửa, có một chàng trai đứng trên đôi nạng gỗ, vừa tươi cười trao những suất cơm miễn phí đến tay những sỹ tử nghèo, vừa luôn miệng hỏi thăm sức khỏe, việc làm bài thi và những khó khăn của đợt thi đại học năm nay của những thí sinh.

IMG_0007.jpg
: Trên đôi nạng gỗ, Quang đã làm được biết bao điều thật đáng khâm phục
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một chàng trai có khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt ánh lên vẻ tự tin mặc dù anh phải bước trên đôi nạng gỗ đã mòn vẹt vì “đi” lại nhiều. Anh là Nguyễn Văn Quang (31 tuổi, ở khối phố Mỹ Thạch Đông, P. Tân Thạnh, Tp Tam Kỳ, Quảng Nam). Tôi phải đợi anh làm xong công việc của mình mới mon men lại hỏi chuyện. Và câu chuyện của anh thực sự làm tôi thấy xúc động.

Sau khi trao hết số suất cơm cho các sỹ tử, Quang lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, hồ hởi nhìn thành quả công việc của mình và các bạn tình nguyện vừa làm được. Lúc ấy đã gần 13h chiều. Trao cơm miễn phí cho thí sinh xong, cả đội tình nguyện của Quang cũng đói meo. Quang lại bảo các bạn thôi chịu khó về nhà “ăn cơm nguội” vậy.

Tôi đến bên cạnh Quang, khi anh đang ngồi nghỉ “chân” sau nhiều giờ vất vả với công việc thiện nguyện. Nở nụ cười thật tươi, anh kể về tuổi thơ trên đôi nạng gỗ của mình. Hồi Quang được hơn một tuổi lại đau yếu thường xuyên, phải đi chạy chữa ở nhiều bệnh viện.

Lúc lên 3 tuổi, anh bị cảm sốt nặng, gia đình chạy chữa nhiều nơi, nhưng không ai nghĩ cậu bé này còn sống nhưng như một phép màu, sau một thời gian nỗ lực của bác sỹ và hy vọng của cha mẹ, Quang đã hồi tỉnh lại, nhưng di chứng để lại là đôi chân bị liệt, chân tay lèo khèo nhiều khi không chịu tuân theo ý mình. Quang phải nỗ lực hết sức để đi lại được trên đôi nạng gỗ.

“Ngày trước thấy chúng bạn tung tăng đến trường, vô tư chơi đùa, còn mình đến lớp phải có ba mẹ đưa đón, lúc nào cũng di chuyển bằng xe lăn, mọi sinh hoạt đều khó khăn nên rất tự ti, mặc cảm về số phận. Nhưng giờ điều đó không còn quan trọng nữa. Cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh, số phận bất hạnh hơn, chỉ mong sao mình đóng góp chút công sức trong khả năng có thể để giúp đỡ những hoàn cảnh, số phận đang rất cần nhận được sự chung tay giúp đỡ!”, Quang cười tươi thổ lộ.

Tôi được biết, gia đình Quang cũng rất nghèo, cuộc sống của gia đình chỉ trông vào việc đổ bánh tráng để bán cho các quán nhậu, các quán ăn mà thôi. Mà công việc đó cũng vô cùng vất vả, bởi chỉ làm được vào mùa nắng, còn mùa mưa thì chịu vì không phơi được, mà máy sấy thì không đủ tiền mua.

Đến năm 10 tuổi, cái tuổi ấu thơ đẹp nhất với biết bao đứa trẻ được đi học, được vui chơi thì Quang đã phải trải qua những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Chứng teo cơ đã làm cho Quang phải nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. 

Gia đình sống chung trong một ngôi nhà vỏn vẹn chưa đầy 14m2, mọi sinh hoạt rất bất tiện và khó khăn. Bất mãn với số phận của mình đã trở thành gành nặng cho gia đình, lại chứng kiển sự vất vả của mẹ khi vừa đi làm việc vừa phải chăm sóc cho mình, Quang đã từng nghĩ: “Nhiều lúc chỉ muốn chết đi cho xong...” nhưng rồi bằng sự động viên, bằng sự quan tâm của bè bạn cùng trang lứa, và người mẹ tuyệt vời, Quang dần vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa đồng với cuộc sống hiện tại, với biết bao điều mới lạ.

Bây giờ vẫn thế, căn nhà cấp bốn nghèo nàn của gia đình anh nằm trong một con hẻm nhỏ thường bị ngập vào mỗi khi mùa mưa đến chẳng có tài sản gì đáng giá, nhưng lúc nào cũng tràn ngập những tiếng cười, và bạn bè của anh lúc nào cũng ra vào để giúp đỡ, để cùng anh bàn bạc công tác từ thiện… chiếc xe lăn anh vẫn thường dùng để đi lại trên những quãng đường xa cũng là do tự đôi tay của anh ghép lại khi anh nhận được quà tặng của một chương trình từ thiện tại TP HCM.

Một trái tim thiện nguyện trên đôi chân tật nguyền

Quang luôn mong rằng mình sẽ có thể trở thành người sống độc lập, không muốn trở thành “gánh nặng” cho gia đình. Chính vì vậy ngoài trừ những việc sinh hoạt hằng ngày, các công việc khác Quang cố gắng mình có thể tự làm mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Tự lực phấn đấu chính là động lực cho Quang cố gắng hơn nữa thực hiện ước mơ của mình để có thể đóng góp phần nào chi tiêu cho gia đình bằng công việc làm thêm, xây dựng tủ sách tình thương....

Khi Chi hội Từ thiện “Nguyện ước xanh” ra đời đến nay tròn 4 năm thì cũng chừng ấy năm anh gắn bó, rong ruổi cùng các tình nguyện viên kịp thời đến với các địa chỉ khó khăn, ngặt nghèo cần sự giúp đỡ. Chắc hẳn những hoàn cảnh, phận người từng được nhận sự giúp đỡ ở Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Núi Thành, Thăng Bình (Quảng Nam) và cả TP. Đà Nẵng sẽ không dễ quên hình ảnh người thanh niên tật nguyền di chuyển trên đôi nạng gỗ nhưng vẫn tích cực trong từng công việc. Đặc biệt là tố chất hài hước, dí dỏm luôn pha trò gây cười tạo sự thiện cảm với người khác.

Trong đợt trao tặng xe lăn cho người tàn tật do Hội Từ thiện tỉnh tổ chức tháng 6 vừa qua, nhiều người đã bắt gặp hình ảnh người thiện nguyện viên hết sức đặc biệt. Mặc dù phải di chuyển trên đôi nạng gỗ nhưng mỗi động tác đi đứng hay làm việc của anh đều rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Nguyễn Văn Quang trên tay nạng gỗ hay xe lăn vẫn luôn tươi cười và đi khắp nơi để tham gia công tác từ thiện.

“Đi rồi mới thấy cuộc sống khắc nghiệt biết chừng nào và hiểu được ý nghĩa của việc mình làm, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác”, Quang tâm sự. Chân đi, tay làm, không nề hà bất cứ công việc nào trong khả năng của mình, niềm vui của những người nhận được sự giúp đỡ của chi hội cũng chính là niềm hạnh phúc lớn nhất trong Quang.

Vượt lên tâm lý mặc cảm số phận kém may mắn, từ nhiều năm nay anh luôn nhiệt tình tham gia công tác tình nguyện từ thiện của chi hội cũng như các đợt làm từ thiện của Hội Từ thiện tỉnh.

Những khó khăn trên con đường đầy chông gai luôn ở phía trước nhưng chưa bao giờ Quang nản lòng, và ngược lại. Quang đã cố gắng hết mình để có được những bước thành công ngày hôm nay.

Và giờ đây, mỗi lần nhớ lại những khó khăn đó, Quang nghẹn ngào nói: “Tôi là một người khuyết tật, đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại và chông gai. Đặc biệt là những xung đột tâm lý hết sức phức tạp, đối mặt với khó khăn của bản thân khuyết tật và cả gia đình nữa. Rồi sự lạnh nhạt, ánh mắt thương hại của mọi người xung quanh. Đã khiến tôi vô cùng thất vọng về họ, tại sao cùng là con người với nhau mà lại cứ phải tạo ra sự kỳ thị, phân biệt với người khuyết tật như vậy. Tôi đã nghĩ mình phải làm một điều gì đó, để mọi người biết rằng những người khuyết tật cũng có trái tim, có nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần tình nguyện như tất cả những người bình thường khác!”

Ông Võ Hồng Binh, Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nambày tỏ: “Không có đợt làm công tác từ thiện tình nguyện nào của chi hội Nguyện Ước Xanh, hay của hội từ thiện TP Tam Kỳ, cũng như của tỉnh Quảng Nam mà thiếu vắng anh Quang. Sự xuất hiện của anh như mang đến “liều thuốc” kỳ diệu đối với những hoàn cảnh, số phận bất hạnh mà Hội giúp đỡ. Sự hài hước của anh cũng là cách giúp các thành viên xua tan mệt nhọc trong mỗi chuyến tình nguyện từ thiện. Tấm lòng và việc làm của anh chính là niềm động viên khích lệ tinh thần đối với công tác từ thiện của các thiện nguyện viên trong hội!”.

Trên đôi nạng gỗ, trong suốt mấy năm qua, Quang luôn tham gia các hoạt động từ thiện như bếp cháo tình thương, tình nguyện xanh... Nhiều đợt tình nguyện tại các huyện miền núi như Hiệp Đức, Nông Sơn, Tây Giang …cũng không vắng mặt Quang. Để gửi đến một thông điệp, chỉ có một điều thôi, Quang muốn tất cả mọi người đều yêu thương nhau…

Tạm biệt chàng trai có tấm lòng thiện nguyện, Quang chỉ nói: “Đối với những người khuyết tật như tôi, được đóng góp một phần vào việc giúp đỡ những người khó khăn, khuyết tật như tôi là cả một hạnh phúc. Tôi chỉ mong mọi người hãy nhìn nhận những người như tôi giống như những người bình thường và hãy tin tưởng rằng những người khuyết tật cũng có trái tim, có nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần tình nguyện như tất cả những người bình thường khác!”, Quang chia sẻ.

Tiếp xúc với anh, tôi chợt hiểu rằng mỗi hoàn cảnh, số phận không may sẽ bắt gặp sự đồng cảm và chia sẻ để rồi tự tin hơn vào bản thân, có thêm động lực để vượt lên chính mình từ tấm gương của anh./.