Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cấp bách để phòng trừ dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Tại Tuyên Quang, hiện nay, 47 ha lúa xuân của phường Tân Hà, Ỷ La (thị xã Tuyên Quang) và xã Trung Môn (huyện Yên Sơn) đang bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, với mật độ từ 10 đến 20 con/m2. Các giống lúa bị nhiễm bệnh là Tạp giao 1, HT1, B-TE, trên thị trường hiện chưa có thuốc diệt trừ vi rút gây bệnh nên khó tiêu diệt tận gốc. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, Chi cục Bảo vệ thực vật thực vật Tuyên Quang cử 18 cán bộ ở các trạm bảo vệ thực vật về các địa phương xuất hiện bệnh, mở lớp tập huấn và hướng dẫn bà con cách thức phòng trừ; tiến hành nhổ bỏ và tiêu huỷ những khóm lúa bị bệnh; yêu cầu các địa phương tăng cường bám sát đồng ruộng để phát hiện xử lý kịp thời những diện tích lúa bị bệnh mới...
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ phụ trách lâm nghiệp Uỷ ban Nhân dân thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Hợp tác xã và UBND xã tổ chức phun thuốc để phòng trừ rầy. Chúng tôi chỉ đạo cho bà con nông dân nhổ bỏ những khóm, rành bị nhiễm bệnh để tiêu huỷ bằng biện pháp là đốt hoặc vùi sâu xuống dưới bùn, đồng thời chỉ đạo cho hợp tác xã huy động bà con nông dân đến phát dọn xung quanh bờ để phun thuốc trừ rầy có hiệu quả hơn”.
Vụ lúa xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang gieo cấy được gần 19.400 ha. Ngoài việc chống chọi với bệnh lùn sọc đen, người nông dân còn phải khắc phục tình trạng khô hạn. Hiện thời tiết khô hanh kéo dài đã làm gần 2.000 ha lúa xuân bị khô hạn nặng, nhiều nhất là tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn.
** Tỉnh Ninh Bình cũng vừa công bố dịch lùn sọc đen, vàng lùn xoắn lá ở lúa đông xuân trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình phát hiện hơn 780 ha thuộc 37 xã của các huyện, thị xã trong tỉnh nhiễm bệnh lùn sọc đen và vàng lùn xoắn lá. Các địa bàn bị nhiễm bệnh nặng là xã Chất Bình, Kim Trung ( huyện Kim Sơn), xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) với tỷ lệ bệnh chiếm 5 đến 10% số khóm lúa trên một đơn vị diện tích. Trung tâm kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) đã phân tích 16 mẫu rầy vào bẫy đèn của các địa phương như Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan, phát hiện 2 mẫu dương tính với vi rút của bệnh lùn sọc đen, vàng lùn xoắn lá. Trước tình hình này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các đơn vị chủ động phòng chống dịch bệnh, nhổ, tỉa hơn 700 ha lúa nhiễm bệnh, đồng thời phun thuốc trừ rầy cho hơn 3.200 ha vùng nhiễm rầy không để phát tán trên phạm vi rộng.
Ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: “Ninh Bình đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, bây giờ đang tập trung huy động lực lượng nông dân và cán bộ kỹ thuật chủ động phát hiện và xử lý, thấy triệu chứng của bệnh thì chủ động nhổ bỏ. Thứ hai là phải diệt loại rầy môi giới gây bệnh, vẫn phải tập trung tuyên truyền hướng dẫn về mặt kỹ thuật. Hiện nay, Ninh Bình đã tập huấn cho tất cả các cán bộ kỹ thuật của các huyện thị thành phố để chủ động phát hiện bệnh và phương pháp xử lý, tăng cường phân bón qua lá, chủ động giữ nước để cây lúa sinh trưởng phòng chống bệnh tốt hơn”.
** Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh lùn sọc đen tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đã lây lan ra diện rộng, nếu không xử lý, phòng trừ kịp thời nguy cơ bệnh dịch sẽ lây lan cao đe dọa nghiêm trọng đến tình hình sản xuất lúa đông xuân cũng như các vụ sản xuất tiếp theo. Vì thế, yêu cầu đặt ra là các địa phương cần phải triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh. Biện pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là các tỉnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, huy động tổng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật kiểm tra, kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, kịp thời thông báo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân các biện pháp phòng trừ rầy, chống rầy và các bệnh vi rút khác hại lúa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Bệnh lùn sọc đen trên lúa là 1 bệnh có khả năng gây tổn thất lớn cho các vùng trồng lúa. Các địa phương cần thông tin rộng rãi để bà con nhân dân nắm được tình hình và biết được cách nhận biết cũng như cách phòng chống đối với bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể về cách xử lý những ruộng bị nhiễm bệnh cũng như cách phòng trừ rầy lưng trắng. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chính sách về phòng chống bệnh lùn sọc đen và rầy lưng trắng, các địa phương có thể chủ động áp dụng, nếu có khó khăn về kinh phí thì có thể báo cáo để chúng tôi tổng hợp báo cáo với Chính phủ để có sự hỗ trợ”./.