Thống kê cho thấy, 10 năm qua, cả nước xảy ra khoảng 20.000 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan và nhà dân (trung bình mỗi năm 2000 vụ), thiệt hại về người và tài sản rất lớn; riêng về tải sản ước tính hơn 4.000 tỉ đồng. Đây là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy đang còn nhiều bất cập cũng như sự lơ là, chủ quan của các cơ quan, đơn vị và người dân.
Trong gần 2000 vụ cháy mỗi năm thì có đến 85% số vụ cháy xảy ra tại nơi sản xuất, kinh doanh, chợ, khu chung cư cao tầng. Các vụ cháy tại khu chung cư cao tầng, xưởng sản xuất thường để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy xưởng giầy tại xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng tháng 7 năm ngoái làm 13 người chết. Riêng tại địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 160 vụ cháy, làm 6 người chết, 24 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 40 tỷ đồng. Tăng cả số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có thể kể đến vụ cháy lớn tại khu nhà tập thể C8 Hàm Tử Quan, đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm cuối tháng 8 vừa qua. Vụ cháy đã làm 1 người chết, thiêu rụi hoàn toàn khu nhà gỗ 2 tầng, với 50 hộ dân sinh sống.
Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định là do sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng cháy chữa cháy. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ quan chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong công tác đối phó với hiểm họa cháy nổ. Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng phòng cháy chuyên nghiệp tại chỗ mỏng, phương tiện cũ và thiếu. Đơn cử tại thành phố Hà Nội, nơi được coi là khá hoàn thiện hạ tầng phòng cháy chữa cháy thì cũng trong tình trạng thiếu thốn đủ bề. Với khoảng 1000 km đường giao thông chính, theo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, Hà Nội cần trên 6000 trụ nước chữa cháy, trong khi thực tế chỉ có khoảng 1000 trụ, nghĩa là chưa đáp ứng được 20% yêu cầu.
Một tồn tại đáng quan tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy là tại các tòa nhà cao tầng; khi xảy ra hỏa hoạn, việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.000 tòa nhà từ 10 tầng trở lên, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chung cư càng cao thì càng khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy, vì tập trung nhiều người, việc thoát nạn chủ yếu qua cầu thang bộ. Bởi, thực tế, hiện nay, xe chuyên dụng cho công tác phòng cháy chữa cháy cũng chỉ tiếp cận đến tầng 16, 17. Vì vậy, trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà cao tầng, cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam, quy định này chưa được chủ đầu tư, đơn vị thi công quan tâm đúng mức: Trong các công trình cao tầng, việc phòng cháy chữa cháy. Nhưng có hai yếu tố, đó là chủ đầu tư và đơn vị thi công xem nhẹ việc này. Để duyệt được đề án, họ có thể kê những loại vật liệu phòng cháy chữa cháy tốt. Nhưng trong quá trình thi công lại đưa những loại vật liệu chưa tốt, không rõ nguồn gốc nên dễ xảy ra cháy.
Theo Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, trước những bất cập, thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, đòi hỏi phải tăng cường hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện để lực lượng này đủ khả năng phát hiện, báo cháy, chữa cháy kịp thời ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Đối với người dân, cần chủ động học tập, tìm hiểu về pháp luật, tự trang bị cho mình kiến thức phòng cháy chữa cháy và thoát nạn. Nhưng với phương châm “phòng là trên hết”, Đại tá Tô Xuân Thiều cho rằng, sự chung tay, ý thức cao của các cấp, ngành và nhân dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy sẽ là yếu tố quyết định, hạn chế các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra: “Công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ có lực lượng chuyên môn làm, mà công tác phòng cháy chữa cháy là của mọi người, mọi cấp đều phải tích cực tham gia và làm tốt công tác phòng ngừa. Và để phòng ngừa tốt, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cùng chúng tôi nâng cao ý thức người dân về phòng cháy chữa cháy…”
“Nhất thủy, nhì hỏa”, kinh nghiệm ấy đã được cha ông ta đúc kết từ lâu. Sẽ không bao giờ thừa khi các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân chủ động phòng cháy chữa cháy. Bởi, chỉ cần một sự bất cẩn, lơ là, ngọn lửa có thể bùng lên và thiêu rụi tất cả./.