Ngày 11/6, bên hành lang Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đã chia sẻ với báo chí về thông tin liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng (trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) phản ứng về những chỉ đạo của cơ quan chủ quản.

Cơ quan chủ quản đã tạo mọi điều kiện

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, nếu một ai nói Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (gọi tắt là Tổng Liên đoàn) không tôn trọng quyền tự chủ của nhà trường là hoàn toàn sai sự thật. Trường Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay đó là do Tổng Liên đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo rất khoa học, bài bản. Ngoài sự lỗ lực của nhà trường, thì cơ quan chủ quản cũng đã tạo mọi điều kiện để nhà trường được như ngày hôm nay. 

vov_ong_ngo_duy_hieu_1_bxpp.jpg
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo ông Hiểu, việc tự chủ kèm theo 2 điều kiện quan trọng: Đó là trách nhiệm giải trình với cơ quan cấp trên, phụ huynh, người học và với xã hội; đồng thời phải tuân theo quy định của pháp luật. Pháp luật ở đây là ngoài thực hiện Luật Giáo dục Đại học thì các vấn đề nhân sự, những định hướng lớn của Đại học công lập phải tuân thủ theo những quy định của Đảng.

“Tổng Liên đoàn tôn trọng những gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường, nhưng phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện các quy định của pháp luật Nhà nước. Tổng Liên đoàn không có bất kỳ văn bản nào can thiệp vào hoạt động của nhà trường, chưa làm thay, chưa bao biện đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng” – ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Liên quan đến việc nhà trường “tố” Tổng Liên đoàn can thiệp vào nhân sự nhà trường, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đến ngày 1/7/2019 có hiệu lực. Tuy nhiên, thời điểm Tổng Liên đoàn có công văn chỉ đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng là dựa vào quy định hiện hành, nên chỉ đạo tại công văn 665 của Tổng Liên đoàn là không sai.

Phản ứng của trường là không cần thiết

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng của nhà trường kể từ ngày thành lập đến nay là tài sản ban đầu, là nỗ lực đóng góp của các thế hệ đoàn viên, công đoàn cả nước. Tài sản này được xác định là tài sản của Nhà nước, giao cho Tổng Liên đoàn là chủ sở hữu. Tài sản này được hình thành từ nhiều nguồn gồm: Tổng Liên đoàn cấp, cho vay, giao quản lý sử dụng và Tổng Liên đoàn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà trường.

Trước phản ánh Tổng Liên đoàn buộc trường Tôn Đức Thắng phải trích nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng Liên đoàn kiểm tra tài chính, tài sản của nhà trường có trích dẫn quy định của cơ quan này quy định trường phải trích nộp 30% nghĩa vụ như các đơn vị công lập khác. Sau đó nhà trường có phản ứng, đoàn kiểm tra tiếp tục khẳng định lại là phải nộp.  

Tuy nhiên, do đặc thù, trường được hưởng các quy định của đơn vị thí điểm tự chủ theo Quyết  định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng Liên đoàn quyết định không thu của nhà trường.

“Cho đến thời điểm này, Tổng Liên đoàn chưa thu một khoản nào của trường, cũng như không có một văn bản cụ thể nào yêu cầu nhà trường phải nộp số tiền bao nhiêu, ngày nào nộp, tháng nào nộp. Trong các dự toán hàng năm, nhà trường cũng không có khoản mục nào phải nộp khoản tiền này. So với các đơn vị khác thì có khoản mục này, nhưng riêng Trường ĐH Tôn Đức Thắng không có khoản mục nào yêu cầu”- ông Hiểu thông tin.

“Những phản ứng của trường là không cần thiết, bởi Tổng Liên đoàn luôn lắng nghe và không làm sai. Cho nên phản ứng này là đáng tiếc và không cần thiết” – ông Hiểu cho biết thêm.

Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của trường và trái với quy định, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định./.