Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, rộng 17m, được xây dựng theo chuẩn đường cao tốc loại A, có 4 làn xe ô tô lưu thông với vận tốc 80km/h. Điểm đầu dự án tại Km02-104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, kết nối với dự án xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào khai thác; Điểm cuối dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá.

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 6.355 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD, tương đương 4.549 tỷ đồng. 

 Hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đủ điều kiện để thông xe kỹ thuật. Các đơn vị thi công đang khẩn trương tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để chính thức đưa vào khai thác vào cuối năm nay theo đúng tiến độ phê duyệt.

Dự kiến sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô tô, xe gắn máy. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bộ tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100km/h.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho rằng đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế của ĐBSCL, đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam Bộ. 

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và có rất nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đặc biệt việc đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất được chú trọng, rất nhiều công trình lớn, quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, đường Hành Lang biển phía Nam, tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương…, cùng với việc nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ huyết mạch đã góp phần thay đổi diện của hệ thống giao thông trong khu vực, giúp nâng cao năng lực thông hành, vận tải hàng hóa.

Trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng cho rằng giao thông khu vực ĐBSCL tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại với một loạt các dự án giao thông khác đang và chuẩn bị triển khai như tuyến An Hữu-Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh... sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng nối đồng bộ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, phần nào đáp ứng được mong mỏi của hơn 20 triệu đồng bào khu vực Tây Nam Bộ.

Việc đưa dự án này vào khai thác vào cuối năm 2020 sẽ tiếp tục góp phần cải thiện mạng lưới đường bộ giao thông trong khu vực, kết nối khu vực phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long tạo thành tuyến trục thứ hai song song với QL1; tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh có dự án đi qua nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng Mê Kông nói chung./.