Sáng nay (1/8), phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với 21 tỉnh thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định để triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đề nghị các địa phương cần ưu tiên đảm bảo tính mạng của người dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, đến sáng nay, các lực lượng chức năng đã thông báo cho hơn 46.125 tàu, thuyền và hiện vẫn còn 1.642 tàu thuyền ở trong vùng nguy hiểm. Trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới có 8.737 lồng bè tập trung từ Quảng Ninh đến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.
Cả nước hiện vẫn còn 204 hồ chứa hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công, tập trung chủ yếu ở Bắc bộ với 81 hồ chứa hư hỏng, 41 hồ đang thi công. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn; rà soát khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.
Các tỉnh cũng khẩn trương kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu không để xảy ra sự cố bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cương lưu ý: Đặc biệt, cần chú ý các hoạt động du lịch đảo, ven biển… Đối với sản xuất nông nghiệp, 350.000 vụ Hè Thu đã chín nhiều, do đó cần tập trung thu hoạch sớm để phòng ngập úng, mất mùa. Các địa phương tập trung bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, thiếu an toàn, bởi “hồ chứa nhỏ nhưng xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm…”. Với các hồ chứa thuỷ điện, đề nghị Bộ Công Thương lưu ý, chỉ đạo triển khai bảo đảm an toàn, đặc biệt là các hồ thuỷ điện nhỏ.
Tính mạng của người dân nên chúng ta cần phải hết sức trách nhiệm
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu yêu cầu các địa phương không được chủ quan, cần chủ động các biện pháp ứng phó để giảm thiệt hại về người, tài sản của người dân, nhà nước. Trước dự báo mưa lớn diện rộng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình đặc biệt lưu ý ở vùng núi, trung du có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, ứng phó với sạt lở đất, lũ quét hiện nay vẫn là khâu yếu nhất, bị động. Thực tế nhiều trận mưa bão trước đây, thiệt hại về người, tài sản do lũ quét, sạt lở đất lớn hơn so với khi bão đổ bộ. Đối với các hồ đập cần tiếp tục kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Tây Bắc vừa hứng chịu các đợt động đất và dư chấn vừa qua cần phải hết sức lưu ý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: các bộ ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm là 4 tại chỗ. Nhanh chóng sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực nhà ở không an toàn, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình. Đang mùa du lịch, du khách còn nhiều nên các địa phương chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn.
"Khu vực miền núi, trung du thì hoàn lưu bão sẽ gây mưa rất lớn, lượng mưa lớn nên cần chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực không an toàn. Đây là tính mạng của người dân nên chúng ta cần phải hết sức trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan", Phó Thủ tướng nói./.