Đầu giờ chiều 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn- Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 10 tại tỉnh Quảng Bình.

Ngay sau khi xuống sân bay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu tránh trú bão Thanh Trạch, huyện Bố Trạch.

Tại đây, khoảng 600 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình đang neo đậu tránh trú bão. Phó Thủ tướng thăm hỏi ngư dân về tình hình chuyến biển, kinh nghiệm ứng phó với bão; nhắc nhở bà con neo đậu đúng quy cách, tránh va đập khi bão đổ bộ.

vov_ong_dung_zxtf.jpg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đi kiểm tra công tác chống bão.
Kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng Hòn La, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Bình. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tập trung sơ tán dân vùng xung yếu, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào nơi kín gió, đảm bảo an toàn cho công trình cơ sở hạ tầng, hồ đập.

 Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão rất mạnh, thời gian không còn nhiều, đề nghị các địa phương gấp rút hoàn thành công tác đối phó với bão.

** Quảng Ninh cấm biển, lên phương án ứng phó mưa lớn sau bão số 10

Dù không nằm trong vùng chịu tác động trực tiếp của bão số 10 nhưng trước những diễn biến nhanh chóng của bão, tỉnh Quảng Ninh đã có phương án cấm biển tuyến khơi trong chiều nay, ngừng hoạt động tàu du lịch trước 9h sáng 15/9, đồng thời lên kế hoạch ứng phó mưa lớn kéo dài, tránh nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Quảng Ninh chỉ đạo các ngành địa phương phải ứng trực liên tục phòng chống bão số 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khi bão số 10 đổ bộ, khu vực Quảng Ninh có gió cấp 6-7, giật cấp 9, mưa giông kéo dài. Sau công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Quảng Ninh đã ra công điện, yêu cầu các ngành và địa phương toàn tỉnh ứng trực phòng chống bão số 10. Hiện tại, công tác thông tin diễn biến bão cho hơn 500 tàu cá xa bờ và 7.000 tàu ven bờ đã hoàn thành, các phương tiện đang về nơi tránh trú.

Với gần 9.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, các lực lượng sẵn sàng sơ tán người dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn về người. Huyện đảo Cô Tô và các đảo của Vân Đồn bố trí, sắp xếp cho hơn 300 khách du lịch về đất liền ngay trưa nay. Sáng nay, khu vực tuyến khơi đã có gió mạnh dần lên cấp 5,6.

Là địa phương có nhiều điểm xung yếu, nguy cơ cao về ngập úng, sạt lở đất, Quảng Ninh đã có phương án ứng phó mưa lớn kéo dài sau bão, yêu cầu ngành than rà soát khu vực hầm lò, bãi thải, tránh nguy cơ sạt lở. 24 hồ chứa nước của tỉnh đều đang vận hành an toàn, sẵn sàng xả tràn khi cần thiết. Các công trình thủy lợi, đê biển Hà Nam đều đã được nâng cấp, tu bổ trước bão.

** Hải Phòng chủ động phòng chống bão số 10

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng cho biết, các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện ven biển đang triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi những khu nhà không đảm bảo an toàn, đồng thời lên phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu.

Ngoài ra, các địa phương tích cực hướng dẫn du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn tránh trú bão, kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá.

Thành phố Hải Phòng cũng sẵn sàng thường trực 24/24h, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống lụt bão. 
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, tính đến 5h sáng nay (14/9), lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.504 phương tiện/ 7.304 lao động đang hoạt động và neo đậu để chủ động tránh bão.

Tại huyện Cát Hải, địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án di dời đảm bảo cho 25 lồng bè/ 260 ô lồng ở khu vực vịnh Cát Bà.

Thành phố Hải Phòng cũng sẵn sàng thường trực 24/24h, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống lụt bão. Các địa phương liên tục cập nhật diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động khắc phục những vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở có thể xảy ra. Đồng thời, lực lượng chức năng của thành phố thực hiện ngay phương châm “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản.

** Thái Bình: trước biến phức tạp của bão số 10, UBND tỉnh thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10 giờ sáng nay (14/9); Đồng thời yêu cầu các địa phương đến 18h chiều nay phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn và trước 12h ngày 15/9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1.264 tàu, thuyền với 3.619 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào đang hoạt động ở các vùng biển nguy hiểm.

** Thanh Hóa: Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 8h sáng 14/9, còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển Vịnh Bắc bộ vẫn chưa liên lạc được. Chính quyền địa phương và gia đình đang tìm cách liên lạc với 3 tàu trên để kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để hạn chế thiệt hại, không gieo trồng vụ Đông trong thời điểm này.

** Hà Tĩnh dự kiến di dời trên 28.000 hộ dân

 Để chủ động phòng, chống cơn bão số 10, tỉnh Hà Tĩnh đang dồn sức cùng với bà con neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa cũng như lên phương án sơ tán người dân tại các vùng có nguy cơ cao.

Theo thống kê, hiện các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh cơ bản đã vào bờ tránh trú bão an toàn, còn 34 phương tiện, với 170 lao động đang trên đường vào bờ tránh trú bão. 15h hôm nay, tất các tàu thuyền tại Hà Tĩnh về nơi neo đậu.

Hà Tĩnh cũng đã lên kịch bản để sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ mất an toàn, vùng cửa sông ven biển như tại thị xã Kỳ Anh, huyện Lộc Hà, Nghi Xuân; vùng có khả sạt lở đất và lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Theo đó, Hà Tĩnh dự kiến sẽ di dời, sơ tán khoảng 28.000 hộ.

Trước mắt tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung sơ tán dân tại các cửa sông, cửa biển như khu vực Cồn Gò, xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), vùng ngoài đê Hội Thống xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, khu vực Cửa Sót, huyện Lộc Hà.

Tĩnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương thành lập ngay đoàn công tác xuống tận thôn, xóm chỉ đạo, giúp người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch 5% diện tích lúa hè thu còn lại, và đặc biệt là chằng chống 8000 ha cây ăn quả, trong đó có 2000 ha cây bưởi. Đây là diện tích cây ăn quả lớn, dự báo cho thu nhập cao.

Quảng Trị: Di dời khẩn cấp gần 140.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm

Chủ động ứng phó với bão số 10, tỉnh Quảng Trị đã lên kế hoạch di dời khẩn cấp gần 140 ngàn người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị di dời tại chỗ gần 75.000 người, sơ tán đến điểm tập trung hơn 65.000 người. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương điều chỉnh số lượng sơ tán. Đối với huyện đảo Cồn Cỏ, nếu bão đổ bộ trực tiếp vào thì phải sơ tán toàn bộ số dân trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.

Tại khu vực miền núi, chính quyền các địa phương nhắc nhở người dân chủ động chằng chống nhà cửa, phòng tránh bão; đồng thời khuyến cáo bà con không ra sông suối vớt gỗ, củi khi lũ về.

Chính quyền địa phương cắm biển báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, sẵn sàng di dời dân đến địa điểm an toàn khi có lệnh. Tỉnh Quảng Trị đã ra lệnh cấm biển, cấm ngư dân ở lại trên các chòi canh ao đầm, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, hạn chế thiệt hại. 

** Kon Tum: Nhận định bão số 10 sẽ ảnh hưởng tới địa phương nhiều khả năng gây mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, UBND tỉnh Kon Tum đang chỉ đạo ngành chức năng cùng với chính quyền 10 huyện, thành phố của tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bão.

Với phương châm 4 tại chỗ, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành và UBND 10 huyện, thành phố tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ thông tin sẵn sàng thực hiện các phương án ứng phó với mưa bão.

Chính quyền các địa phương tổ chức rà soát những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để có phương án sơ tán, di dời khẩn cấp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh, tuyến đường bị hư hỏng có hướng xử lý để tránh bị chia cắt, cô lập.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không đi công tác ngoài tỉnh tập trung túc trực phòng chống bão. Đối với các chủ hồ chứa thủy điện, thuỷ lợi phải thường xuyên kiểm tra mực nước, vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt./.