Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký cam kết hỗ trợ 3 huyện: Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu, thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất cả nước. Một trong những trọng tâm của giai đoạn 2009 - 2012 là phát triển, mở rộng lưới diện nông thôn.

Theo sự phân công của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Bám sát mục tiêu chương trình của Chính phủ, đề án phát triển kinh tế - xã hội của các huyện được phân công giúp đỡ, trên cơ sở khảo sát thực tế tại 3 huyện này, đồng thời, dựa vào những thế mạnh của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng một chương trình cụ thể với 6 nội dung để triển khai trong giai đoạn 2009 - 2012 (với tổng kinh phí dự kiến khoảng 280 tỷ đồng). Trong đó, tập trung trọng tâm vào việc phát triển mở rộng lưới điện nông thôn (khoảng 250 tỷ đồng) để đầu tư các công trình điện tại 3 huyện, đảm bảo 100% xã có điện và đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện từ 41% hiện nay lên gần 90% vào năm 2012; Quản lý và bán điện trực tiếp đến 100% xã và hộ dân có điện của tỉnh. Hỗ trợ bù đắp các khoản chi phí cho việc quản lý vận hành bán điện sau đầu tư do chi phí mua điện của các hộ dân quá thấp so với chi phí quản lý vận hành bán điện trên địa bàn để các hộ dân được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực và hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ cho các hộ dân nghèo.

Lai_Chau_3.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: muốn phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững theo đúng mục tiêu chương trình đề ra thì phải lấy xây dựng cơ sở hạ tầng làm then chốt. Một trong 4 điều kiện tiên quyết đã được ưu tiên trong chính sách phát triển chính là “điện” (điện, đường, trường, trạm). Có điện, có đường mới phát huy được sản xuất, tiêu thụ và chế biến được nhiều nông sản. Có điện, bà con mới có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật thông qua các phương tiện thông tin hiện đại. Vì thế, với thế mạnh của mình, trong giai đoạn này, EVN tập trung mọi điều kiện để đưa điện về đến dân.

Ông Hùng cho rằng, việc xóa nhà tạm, xây dựng nhà bán trú, cơ sở dạy nghề... thì nhiều cơ sở, DN, nhiều lực lượng có thể làm được. Nhưng đưa điện thì chắc có lẽ chỉ EVN làm là tốt nhất - đây là thế mạnh - và đây cũng là một trong những điều kiện về hạ tầng rất quan trọng để xóa đói giảm nghèo. EVN xác định đây là́ nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng chính là vinh dự của ngành.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó trưởng phòng Lao động TBXH huyện Than Uyên cho biết, chính sách đưa điện về nông thôn, trong đó có Than Uyên là một trong 5 huyện nghèo nhất của tỉnh Lai Châu là một trong những nội dung cần thiết nhất. Bà Tám cho rằng đây là nội dung cần thiết nhất phải được đầu tư, có điện chắc chắn sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện; tiến độ xóa đói giảm nghèo sẽ nhanh hơn.

Trước những cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho 3 huyện nghèo của tỉnh, Ông Vương Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh, Chương trình hỗ trợ toàn diện của EVN sẽ là nguồn lực hữu hiệu giúp ba huyện nghèo Lai Châu có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, sớm thoát khỏi danh sách các huyện nghèo của tỉnh. Các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu và 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên sẽ phối hợp với EVN triển khai tốt những nhiệm vụ đã đề ra trong chương trình này.

Thoả thuận hỗ trợ được ký kết giữa EVN và UBND tỉnh Lai Châu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Tập đoàn này đối với chính sách xóa đói, giảm nghèo, chung sức vì cộng đồng, khẳng định vai trò, vị trí của Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.