Sau khi nắm thông tin việc Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có dự kiến chính sách đền bù thiệt hại cho 321 hộ dân thuộc khu đất 4,3ha (khu phố 1, phường Bình An, Quận 2) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm theo thông báo kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, người dân Thủ Thiêm đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

vov_3_yqub.jpg
Căn chòi lụp xụp, tạm bợ của bà Nguyễn Thị Kim Phương cất sau khi bị phá dỡ nhà ngoài ranh quy hoạch.

Theo ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đối với phần diện tích đất đã được quy hoạch cho giao thông toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm đi qua khu vực 4,3ha, thì thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại trong khu 4,3ha được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư. Chung cư này được sử dụng cho tái định cư.

Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đề xuất chính sách đền bù thiệt hại về tinh thần và vật chất cho 321 hộ dân được xác định trong khu vực 4,3ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Về chính sách tái định cư, Ban thường vụ Thành ủy cho rằng việc tái định cư cho 321 hộ dân đã được xác định trong khu vực 4,3ha được thực hiện theo quy hoạch của khu 4,3ha và nhu cầu thực tế của các hộ dân này.

Cụ thể, đối với 166 hộ dân đã nhận đền bù, tái định cư ở chung cư hoặc nhận nền đất tái định cư không trong khu vực 4,3ha, Ban thường vụ Thành ủy giao các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục xem xét đền bù bổ sung phần thiệt hại do không được tái định cư trong khu vực 4,3ha.

Đối với 155 hộ dân còn lại, trên cơ sở đặc điểm đất đai và nhà của các hộ dân trước khi bị giải tỏa và trên cơ sở nhu cầu của hộ dân này, các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị 3 phương án tái định cư, bao gồm: tái định cư tại chung cư trong khu 4,3ha theo quy hoạch, tái định cư bằng đền bù và giao nền đất gần khu 4,3ha, tái định cư bằng căn hộ chung cư ở ngoài khu 4,3ha.

Có mặt tại khu vực được cho là 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch bị thu hồi sai theo thông báo kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, phóng viên VOV ghi nhận, hiện còn gia đình ông Hồng Minh Hải (số B27/10) và nhà bà Nguyễn Thị Kim Phượng (số nhà B26/9) đang bám trụ lại khu đất này. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (áo trắng) phản đối về dự kiến chính sách bồi thường cho người dân khu vực 4,3 ha.

Bà Phượng cho biết, từ đầu bà đã phản đối việc giải tỏa nhà mình và các hộ dân ngoài ranh quy hoạch, nhưng năm 2012 căn nhà rộng hơn 100m2 của gia đình bà vẫn bị san phẳng. Sau khi nhà bị phá dỡ, do không được nhận đền bù, bà Phượng đã dựng tạm mấy tấm tôn để có chỗ cư trú và kiên quyết bám trụ tới tận bây giờ.

Xung quanh chỗ ở của bà, các hộ dân khác cũng bị đập bỏ nhà cửa, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, la liệt phế liệu, gạch vỡ. Bà Phượng cho biết đã đi khiếu kiện gần 20 năm nay nhưng mọi nơi bà tìm đến đều bặt vô âm tín, bà đề nghị khi thanh tra, kiểm tra thì đoàn công tác cần mời người dân để gặp gỡ, lắng nghe, như vậy mới khách quan và có thể ghi nhận đầy đủ kiến nghị.

Bà Phượng khẳng định: Bà và người dân Thủ Thiêm vẫn luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, tin tưởng vào pháp luật thì dân Thủ Thiêm mới có ngày hôm nay được nói lên tiếng nói của mình. Riêng về đề xuất chính sách đền bù với khu vực 4,3 ha, bà Phượng cho rằng nếu như thông báo kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch thì cần phải trả lại nhà, đất cho người dân.

"Không thể có thêm phương án nào cho khu 4,3 ha này. Nếu như có nhà đầu tư nào muốn sử dụng đất của chúng tôi thì phải đến gặp để thương lượng và thoả thuận với người dân. Người dân chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với chính quyền thành phố, nếu việc chính quyền thành phố muốn xây dựng và phát triển đất nước thì người dân luôn luôn ủng hộ. Xây dựng đất nước đẹp thì ai cũng mong mỏi”, bà Phượng nói.

Bà Trần Thị Mỹ, ngụ phường An Khánh, Quận 2 năm nay đã 77 tuổi, nhiều năm trở lại đây bà thường xuyên đi dự các buổi làm việc của thành phố về vấn đề giải quyết chính sách cho người dân Thủ Thiêm.

Theo bà Mỹ, thời gian gần đây thành phố đã có những thay đổi trong việc giải quyết chính sách cho người dân. Bà Mỹ đánh giá cao sự “dũng cảm” của chính quyền thành phố và Trung ương bởi lần đầu tiên có những văn bản như văn bản số 1483 của Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số sai sót của thành phố, cũng như lãnh đạo thành phố đã thừa nhận khuyết điểm và xin lỗi dân. Đây là một điểm mới đáng ghi nhận bởi đã mười mấy năm nay chưa bao giờ chính quyền nói lời xin lỗi dân.

Tuy nhiên, bà Mỹ cho rằng việc người dân mong muốn là có bản kết luận thanh tra toàn diện về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vấn đề 4,3 ha này bắt đầu từ bản công bố kiểm tra của Thanh tra Chính phủ số 1483, tuy nhiên văn bản này còn chưa đầy đủ, chưa làm rõ được nhiều nội dung mà người dân phản ánh. Sau khi có văn bản 1483 của Thanh tra Chính phủ, TPHCM đưa ra một loạt quyết sách để giải quyết, như 10 chính sách đưa ra lấy ý kiến, đã bị người dân nhiều phường bác bỏ. Hay như hiện nay thành phố lại tập trung giải quyết khu vực 4,3 ha và cho rằng có mấy trăm hộ nằm trong khu vực này.

Bà Mỹ nói: "Cái đó không đi vào trọng tâm của những người đi khiếu nại ở Thủ Thiêm. Thực ra trong khu 4,3 ha chỉ có 9 hộ dân đi khiếu nại ngoài Trung ương thôi, bây giờ thành phố đưa ra chính sách và hô hào giải quyết, tức là kéo thêm mấy trăm hộ dân về giải quyết trong khi họ không khiếu nại gì mà những người đi khiếu nại lại không đếm xỉa gì”.

Ông Đoàn Văn Phương, ngụ phường An Khánh, Quận 2 cho rằng việc giải quyết đúng chính sách cho các hộ dân nằm trong khu vực 4,3 ha này là ngoài ranh quy hoạch, tức phải trả lại nhà đất cho họ vì không nằm trong quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thành phố dự tính tiếp tục thực hiện thêm nội dung mới chưa hợp lý, đó là lấy đất khu vực 4,3 ha này để xây dựng khu thương mại, dịch vụ và tái định cư cho người dân nơi đây.

"Đề nghị Thành uỷ xem xét lại, người dân đồng ý 4 tuyến đường đã triển khai thực hiện rồi thì vẫn giữ chứ không phá đi. Nhưng dọc theo tuyến đường vẫn còn đất thì tái định cư lại cho người dân tại tuyến đường đó chứ không phải di dời người dân đi đâu cả, và cũng không lấy làm khu trung tâm dịch vụ, thương mại”, ông Phương nói.

Người dân Thủ Thiêm rất mong chờ vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm được giải quyết một cách thấu đáo, công khai, minh bạch và hợp lòng dân. Người dân khẳng định luôn đồng hành với sự phát triển của thành phố, điều quan trọng là quyền lợi chính đáng của họ phải được đảm bảo, cuộc sống mới sau khi phát triển đô thị mới Thủ Thiêm phải tốt hơn, đáng sống hơn./.