Một ngày đầu tháng 7 năm 1990, tôi tìm gặp nhà báo lão thành Trần Lâm ở nhà riêng số 5 Trần Phú, Hà Nội, xin ông kể về một chương trình phát thanh đặc biệt, đột xuất của Đài Tiếng nói Việt Nam “vắt ngang qua hai ngày”.
Nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài TNVN |
- Cậu mà không nhắc là tớ quên mất đấy. Muốn biết chương trình phát thanh này có đầu có đuôi, có xuôi có ngược thì phải chia ra làm ba giai đoạn.
Ấy là những ngày đầu tháng 9/1945.
Trong khi người dân thành phố đổ ra đường mừng Độc lập, các cơ quan của Chính phủ bộn bề bao công việc của một chính quyền non trẻ. Cái gì cũng lần đầu tiên nghe thấy. Việc gì cũng lần đầu tiên làm. Nóng nhất là các cơ quan tiếp nhận thông tin của cả nước. Bộ phận biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam ở cùng nhà với Trung tâm thụ tín Trung ương (BCR) nên nhận được thông tin đầu tiên về quân đội Pháp gây hấn ở Nam Bộ, kịp đưa lên chương trình thời sự, tin tức của Đài.
Ngay trong ngày Quốc khánh 2/9, giữa lúc 50 vạn người dân Sài Gòn họp mít tinh mừng ngày độc lập thì quân Pháp nấp trong nhà thờ Đức Bà xả súng làm 47 người chết, nhiều người bị thương.
Đặc biệt đêm 22 rạng sáng 23/9, núp sau quân đội Anh, thay mặt Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Thành phố căng thẳng cực độ. Công nhân, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang không chịu nổi, kiên quyết đòi đánh. Cũng sáng 23/9, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ họp hội nghị khẩn cấp tại đường Cây Mai, Chợ Lớn. Tình hình nóng và khẩn cấp vô cùng. Nhân dân thành phố nín thở chờ mệnh lệnh chiến đấu.
Bức điện khẩn của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ Phạm Văn Bạch gửi Chính phủ báo cáo nhanh sự kiện quân đội Pháp trắng trợn tiến đánh Sài Gòn và xin chỉ thị của Chính phủ. Biết được nội dung bức điện này khi chương trình phát thanh của Đài sắp kết thúc (khoảng 8h30 tối) Tổng Biên tập Trần Lâm viết thư cho ông Hoàng Hữu Nam, Chánh Văn phòng Chính phủ, đồng thời là trợ lý của Bác Hồ thông báo là chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ kéo dài, giữ thính giả cho đến khi nhận được chỉ thị của Chính phủ, dù khuya đến mấy.
Ông Trần Lâm kể: “Gửi thư đi rồi, lòng tôi như lửa đốt. Đến bao giờ mới nhận được chỉ thị của Chính phủ? Trong thời gian chờ đợi ấy lấy cái gì để phát? Để giữ được thính giả bên máy thu thanh? Làm chương trình kiểu gì đây?...”
Phát thanh viên Đài TNVN những ngày kháng chiến |
Vừa sản xuất vừa phát thanh
Trong phòng làm việc tối hôm ấy có ông Trần Lâm, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Văn Nhất, Quang Lân, công nhân truyền âm và bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài. Sau khi hội ý chớp nhoáng cả nhóm làm việc, ông Trần Kim Xuyến cấp tốc về lấy cuốn Lên án chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp ở tủ sách Bộ Tuyên truyền. Ông Trần Lâm và ông Trần Kim Xuyến gỡ từng trang, thay nhau dịch và đọc thẳng hết cuốn sách.
Xen kẽ, ông Nguyễn Văn Nhất viết bình luận vạch trần âm mưu thâm hiểm và hành động chiến tranh ngang ngược, tàn bạo của thực dân Pháp, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, thà hy sinh chứ không chịu làm nô lệ của quân dân ta. Trong khi bà Dương Thị Ngân đọc thẳng bài bình luận thì ông Nhất lại tranh thủ viết bài bình luận khác. Ông Trần Lâm và Kim Xuyến được nghỉ lấy hơi, uống nước.
Thời gian chậm chạp trôi. Trán mướt mồ hôi, giọng đã khàn mà chỉ thị quan trọng vẫn chưa đến. Giá như lúc này có một đĩa hát hùng tráng thì hay biết mấy. Nhưng lục lọi mãi cũng chỉ được vài đĩa hát tiếng Tây, mà tiếng Việt lại hát Ả đào (ca trù) không phù hợp với chương trình phát thanh đặc biệt này. Cứ 15 phút, phát thanh viên nhắc lại câu: “Đề nghị đồng bào đừng rời máy thu thanh. Đêm nay sẽ có tin đặc biệt quan trọng thông báo trên đài.”
Khoảng 1h sáng ngày 24/9, giao thông hỏa tốc của Phủ Chủ tịch đem đến Đài bức điện ngắn của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban Hành chính Nam Bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ nhất tề vùng dậy kháng chiến. Chỉ thị kháng chiến và lời kêu gọi lịch sử này được ông bà Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân đọc lại nhiều lần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phát lệnh Nam Bộ kháng chiến
Năm con người làm việc liên tục trong phòng thu, thực hiện một chương trình phát thanh kéo dài gần bốn tiếng đồng hồ. Ai cũng chỉ biết làm việc và làm việc nhiệt thành và cẩn trọng, không để sai sót. Vì lời nói đã phóng đi thì không thể lấy lại mà sửa sai được. Lúc ấy, nói như bà Dương Thị Ngân là nóng lòng muốn biết đồng bào nghe đài như thế nào mà đành chịu.
Sáng ra, những người bảo vệ ở khu vực phố Đinh Lễ cho hay là dưới các loa phóng thanh ở phòng thông tin Tràng Tiền đồng bào tụ tập rất đông, lắng nghe thông báo của Đài. Nhiều gia đình khá giả có máy thu thanh đều đặt ở cửa sổ để nhiều người cùng nghe. Tin tức từ các địa phương điện về BCR cho biết là nhiều nơi, đồng bào, chiến sỹ thức cả đêm chăm chú theo dõi buổi phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ lệnh cho Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ tiến hành kháng chiến, bảo vệ nền Độc lập vừa giành được.
Đến trưa ngày 26/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được toàn văn thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ khẳng định “Thà chết tự do hơn sống nô lệ.”
Gói gọn cả ba giai đoạn, Tổng Biên tập Trần Lâm khẳng định: “Đây thực sự là một chương trình thời sự đặc biệt, đột xuất, kéo dài hiếm có, gây xúc động lớn cho đồng bào, chiến sỹ cả nước. Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự được chọn là nơi đầu tiên truyền phát lệnh Nam Bộ kháng chiến.”./.